Thiếu công nghệ, thông tin quản lý rời rạc
Trong xu thế phát triển kinh tế-xã hội những năm gần đây, dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người, chất lượng nước ở một số lưu vực sông nước ta đã và đang suy giảm nghiêm trọng. Vấn đề cấp bách diễn ra ở quy mô toàn lưu vực là ô nhiễm nguồn nước sông do chất thải từ các khu đô thị và khu công nghiệp, vấn đề xử lý nước thải và quản lý chất thải.
Trong khi đó, hệ thống chính sách, văn bản pháp quy liên quan đến bảo vệ chất lượng nước ở lưu vực sông còn thiếu và chưa đồng bộ. Đặc biệt, tại các lưu vực sông chưa có hệ thống dữ liệu thông tin nhằm phục vụ quản lý chất lượng nước khu vực. Với thực trạng này, để đảm bảo tốt công tác quản lý môi trường lưu vực nói chung, cần thiết phải xây dựng mô hình quản lý và chia sẻ thông tin chất lượng nước góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý chất lượng nước lưu vực sông ở Việt Nam.
Trên thực tế, dữ liệu về lưu vực sông còn rời rạc, chưa được hệ thống hóa dẫn tới việc tìm kiếm thông tin cần thiết trong núi dữ liệu chậm, khai thác dữ liệu khó khăn, báo cáo môi trường tốn nhiều thời gian. Từ đó công tác theo dõi biến động và dự báo chưa được đầy đủ và khoa học nên việc đánh giá hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông còn gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý thống nhất và tổng hợp môi trường lưu vực sông sẽ khó có thể thực hiện được nếu không có một hệ thống thông tin với các cơ sở hệ thống dữ liệu tốt. Sự thiếu hụt thông tin hoặc thông tin có chất lượng không cao sẽ làm ảnh hưởng đến các tiến trình phân tích và vấn đề ra quyết định.
Trong những năm gần đây, mặc dù Việt Nam đã có những đề tài, dự án nghiên cứu môi trường lưu vực sông, tuy nhiên, chưa thực sự phục vụ đắc lực cho yêu cầu lâu dài của công tác quản lý. Nguyên nhân là do chưa có hệ thống thông tin quản lý môi trường lưu vực sông hoặc nếu có hệ thống thì lại chưa có cơ chế để theo dõi, cập nhật và phổ biến các thông tin, kết quả nghiên cứu về môi trường. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường tại các lưu vực sông, đòi hỏi phải quản lý một khối lượng lớn các dữ liệu. Việc lưu trữ, truy cập, chia sẻ thông tin… luôn gắn liền với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Sự phát triển của CNTT cho ra đời những mô hình quản lý và xử lý dữ liệu không gian mới có nhiều ưu việt hơn chẳng hạn như bản đồ số, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin địa lý (GIS), mô hình hóa.
Quản lý nguồn nước bằng CNTT
Hiện GIS là một trong những công nghệ đang được sử dụng khá phổ biến bởi nhiều đặc tính ưu việt như tính tương thích cao, giao diện thân thiện, sử dụng và hiển thị các dữ liệu không gian một cách trực quan… Việc áp dụng công nghệ GIS sẽ giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và theo dõi chất lượng môi trường. Từ đó, tăng mức độ xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường theo chủ trương của nhà nước. Phần mềm đề xuất trong hệ thống được lấy tên là WINS. WINS hướng đến vai trò của một trung tâm lưu trữ, quản lý, xử lý tất cả các dữ liệu liên quan đến chất lượng nước tại các lưu vực. Các nguồn thông tin trong WINS được thu thập từ các cơ quan, tổ chức khác nhau, đồng thời có sự liên kết và trao đổi lẫn nhau, tạo cơ sở khoa học vững chắc để hỗ trợ cho quá trình ra quyết định.
Phương pháp quản lý tổng hợp lưu vực đã được ứng dụng thành công tại các nước phát triển. Để có thể giải quyết được những xung đột, mâu thuẫn giữa các địa phương trong khu vực thì trước hết phải đảm bảo được chất lượng nước cho toàn bộ lưu vực. Từ đó việc xây dựng hệ thống thông tin môi trường với dữ liệu về chất lượng nước lưu vực sông được chuẩn hóa là nhân tố rất quan trọng và cần thiết trong vấn đề quản lý tổng hợp lưu vực sông.
Thực tế hiện nay, thông tin môi trường nói chung cũng như thông tin về chất lượng nước ở các lưu vực sông được lưu giữ, phân tán ở nhiều nơi, nhiều bộ phận khác nhau, không theo một quy chuẩn nào… dẫn đến việc khó giải quyết ở từng địa phương. Mô hình WINS được xây dựng cho phép quản lý tổng hợp thông tin liên quan đến hiện trạng chất lượng nước và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên lưu vực. Cụ thể hơn thì nó sẽ quản lý các hoạt động có liên quan đến việc khai thác sử dụng nước và gây tác động hoặc tiềm ẩn tác động đến chất lượng nước của lưu vực. WINS cho phép mỗi địa phương cũng như Ban quản lý lưu vực sông tham gia quản lý chất nước một cách thống nhất.
Cùng với xu thế phát triển kinh tế chung của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có những bước phát triển vượt bậc. Nhưng đi kèm với đó là các áp lực về môi trường do sự chú trọng phát triển kinh tế tạo ra. Là nguồn cung cấp nước chính, đồng thời lại là nơi tiếp nhận hầu hết các nguồn thải từ các đô thị và khu công nghiệp trong vùng, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang đứng trước những thách thức lớn trong duy trì và cải thiện chất lượng nước. Vì vậy, việc đưa ra một hệ thống thông tin môi trường hỗ trợ và phục vụ công tác quản lý chất lượng nước cho các cơ quan quản lý nhà nước là một điều hết sức cần thiết.
PGS-TSKH BÙI TÁ LONG (Viện Môi trường và Tài nguyên)