Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa học sinh lớp 9 ở TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 - một kỳ thi quan trọng, tính cạnh tranh cao. Làm thế nào để giúp học sinh lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực, điều kiện đi lại và nếu rớt lớp 10, các em nên chọn hướng đi nào?
Học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Sào Nam (quận 3, TPHCM) tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương
Đổi mới đề thi theo hướng phát triển năng lực
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay công tác tuyển sinh vào lớp 10 không thay đổi nhiều và theo kế hoạch, các trường THPT công lập chỉ có thể đáp ứng 80% chỗ học lớp 10. Việc tuyển sinh vào lớp 10 công lập tiếp tục thực hiện theo hình thức thi tuyển đối với tất cả các trường, kể cả những trường ở ngoại thành. Học sinh tốt nghiệp THCS tại TPHCM sẽ được dự tuyển vào lớp 10 công lập, không phân biệt hộ khẩu. Học sinh được đăng ký ba nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 thường, bốn nguyện vọng ưu tiên để xét tuyển vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên trong trường THPT chuyên. Học sinh sẽ thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào ngày 11 và 12-6.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, đề thi lớp 10 năm nay sẽ tiếp tục đổi mới, tính phân hóa cao, trong đó hai môn Văn, Toán sẽ ra theo hướng phát triển năng lực vận dụng lý thuyết vào thực tế và giải quyết những tình huống đặt ra của học sinh. Muốn làm bài thi tốt, đạt điểm cao thì học sinh phải thông hiểu kiến thức, có năng lực vận dụng thực tiễn, phân tích, tổng hợp, lập luận chặt chẽ và có tư duy, sáng tạo… Như thế, học sinh phải chủ động, có phương pháp học tập linh hoạt, tăng kỹ năng vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế chứ không thể học vẹt, học tủ như trước đây.
Từ nhiều năm qua, Sở GD-ĐT đã đổi mới cách ra đề thi môn Văn lớp 10 và hiệu ứng này đã tác động đến quá trình dạy và học môn này theo hướng mở, khuyến khích tư duy sáng tạo. Theo đó, từ trong năm học nhà trường đã chú trọng việc đổi mới cách dạy và học theo hướng đánh giá năng lực học sinh và phát triển tư duy, kỹ năng vận dụng thực tế. Dựa theo cách ra đề thi của những năm trước về đánh giá năng lực học sinh ở các phần đọc - hiểu, tạo lập văn bản gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học, giáo viên dạy Văn lớp 9 đều chú trọng mở rộng đề tài, ôn tập nội dung theo hướng mở, gắn với những vấn đề thời sự, gia đình và xã hội…
Cô Tuyết Anh, giáo viên dạy môn Văn, Trường THCS Lê Văn Tám, chia sẻ: “Đổi mới cách dạy và học Văn đã giúp thí sinh rèn luyện các kỹ năng làm bài theo hướng phát triển tư duy, năng lực vận dụng”. Không chỉ tự tin bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, chính kiến của mình, các em cũng từ bỏ thói quen học vẹt, học tủ. Tương tự, ở môn Toán, đề thi cũng đổi mới mạnh mẽ, tính phân hóa cao, trong đó sẽ có một số câu hỏi mang tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống để học sinh vận dụng kiến thức, tìm phương án giải quyết. Cụ thể, đề thi môn Toán sẽ giảm nhẹ độ khó, tăng tính thực tiễn, ứng dụng như tính lãi suất ngân hàng, tiền điện, tiền nước, cước taxi... chứ không ra theo kiểu rập khuôn, máy móc, hàn lâm. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới cách đánh giá, thi cử, nhiều giáo viên dạy các môn thi vào lớp 10 (Toán, Văn, Anh văn) cảm thấy áp lực nặng nề hơn vì phải chuyển đổi cách dạy, cách ôn tập và hướng dẫn học sinh thích ứng với cách ra đổi mới đề thi.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Sào Nam (quận 3, TPHCM) tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương
Chọn nguyện vọng phù hợp và điều kiện đi lại thuận tiện
Là kỳ thi quan trọng và tính cạnh tranh gay gắt nên phần đông học sinh lớp 9 đều đối mặt với áp lực chọn nguyện vọng, chọn trường sao cho phù hợp với năng lực bản thân và tránh khỏi nguy cơ bị rớt lớp 10 công lập. Nhiệm vụ này cũng trở nên nặng nề với ban giám hiệu các trường khi đặt chỉ tiêu cao đến 90% - 95% học sinh lớp 9 phải đậu vào lớp 10 công lập. Theo tư vấn của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, học sinh nên cân nhắc khi chọn nguyện vọng, sao cho phù hợp với năng lực học tập của bản thân nhưng phải thuận tiện việc đi lại và hoàn cảnh gia đình. Nếu rớt các trường THPT công lập thì thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội học tiếp ở các trường ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên và học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường nghề của TPHCM.
Kinh nghiệm cho thấy, nhiều trường hợp học sinh thi đậu vào lớp 10 công lập nhưng sau một thời gian học tập lại đuối dần, không theo kịp chương trình nên phải chuyển sang học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, “tư duy bằng mọi giá phải đậu vào lớp 10 công lập” cần phải thay đổi và nhà trường phải tư vấn cho học sinh có năng lực học tập trung bình, yếu nên rẽ thẳng vào trường nghề thay vì “cố lết” lên bậc học cao hơn. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, hiện nhiều trường TCCN ở TPHCM có nhiều chính sách ưu đãi, miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS và sau khi tốt nghiệp bậc TCCN sẽ học liên thông lên CĐ và ĐH để nâng cao trình độ sau khi đi làm...
Theo lộ trình phân luồng học sinh, những năm sắp tới, TPHCM sẽ từng bước giảm tỷ lệ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, tăng dần tỷ lệ học sinh vào học các trường TCCN, dạy nghề.
* Theo kế hoạch, từ ngày 29-4 đến 11-5, các trường THCS tư vấn cho học sinh làm đơn xin tuyển vào trường THPT (theo mẫu) nộp tại trường THCS nơi học lớp 9. Ngày 13-5, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ công bố số liệu tổng hợp ban đầu về số học sinh đăng ký dự thi vào từng trường để phụ huynh, học sinh tham khảo. Từ ngày 13 đến 19-5, học sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng ưu tiên và nộp tại trường THCS nơi học lớp 9. |
KHÁNH HÀ