Cần nhân rộng mô hình Doanh nghiệp xanh

Những ngày qua, Ban Tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh đã và đang tiến hành đi thực tế để thẩm định các doanh nghiệp (DN) tham gia giải thưởng lần thứ 3 năm 2012 theo chỉ đạo của UBND TPHCM do Báo SGGP phối hợp với Sở TN-MT TPHCM tổ chức.

Những ngày qua, Ban Tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh đã và đang tiến hành đi thực tế để thẩm định các doanh nghiệp (DN) tham gia giải thưởng lần thứ 3 năm 2012 theo chỉ đạo của UBND TPHCM do Báo SGGP phối hợp với Sở TN-MT TPHCM tổ chức.

Theo ghi nhận của ban tổ chức, rất nhiều DN trên địa bàn TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Bằng chứng là nhiều DN đã bỏ ra một số tiền rất lớn lên đến hàng tỉ đồng để chi phí cho việc xử lý nước thải, sử dụng năng lượng sạch, đầu tư máy móc hiện đại cho dây chuyền sản xuất. Điều đáng nói, rất nhiều DN mong muốn mô hình Doanh nghiệp xanh ngày càng được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn.

Việc các DN ngày càng nhận thức tốt hơn về công tác bảo vệ môi trường là một hiệu ứng tích cực để chúng ta hướng đến một nền kinh tế xanh, một xã hội phát triển bền vững. Họ xứng đáng là những người tiên phong trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận những khó khăn mà DN phải đối mặt khi chuyển đổi thành DN xanh. Bản thân họ sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như lợi nhuận suy giảm khi đầu tư vào các vấn đề bảo vệ môi trường; sự cạnh tranh thiếu công bằng với những DN chưa thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường; người tiêu dùng chưa thực sự dành nhiều ưu tiên cho sản phẩm xanh…

Có thể thấy, lợi ích tối thiểu mà một DN xanh mang lại là sẽ giảm chất thải gây suy thoái chất lượng môi trường sống của cộng đồng. Cao hơn nữa, sản phẩm của họ sẽ cho ra các sản phẩm có lợi cho môi trường, có lợi cho người tiêu dùng. Vậy, để tiếp sức cho DN phát huy khả năng “xanh”, đồng thời giảm thiểu những khó khăn mà họ đang phải đối mặt sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn của người tiêu dùng. Một khi sản phẩm của họ được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa thì chắc chắn uy tín của DN sẽ được nâng lên rất nhiều. Hiện sản phẩm xanh tuy có giá cao hơn sản phẩm thông thường, nhưng có lợi ích toàn diện hơn, nhất là nếu xét về lâu dài. Do đó, việc tạo ra những sản phẩm thay thế có tính thân thiện với môi trường rất cần được khuyến khích để góp phần hướng đến phát triển bền vững.

Đồng quan điểm này, nhiều DN cũng nhìn nhận, thương hiệu DN xanh tạo nhiều lợi thế cho DN trong việc cải thiện các mối quan hệ giữa DN với cộng đồng, nâng cao hình ảnh thương hiệu, và gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Vì thế, khuyến khích và kêu gọi các DN phát triển xanh cần phải được nhân rộng để các DN khác làm theo. Có như vậy thì mới tạo ra được một xã hội phát triển bền vững.

Để phát triển một nền kinh tế xanh, không thể không nhắc tới sự đóng góp của các DN xanh. Thông thường, đó là những DN quan tâm đến các chính sách, quy định bảo vệ môi trường, đảm bảo tất cả các quá trình sản xuất đều hướng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Hiện tại, nhiều DN đang cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, áp dụng những chính sách hỗ trợ hợp lý và không ngừng quan tâm đến vấn đề môi trường. Tuy nhiên, sự nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái không chỉ đến từ phía các DN mà còn cần cả sự quan tâm, ủng hộ, sử dụng các sản phẩm xanh của người tiêu dùng.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục