Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là sản xuất nông nghiệp chưa đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra; sự liên kết và hợp tác còn yếu, thiếu bền vững; công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp An Giang nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước “3 biến”, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của khách hàng.
Do đó, sản xuất nông nghiệp luôn bị động, thiếu sự kết nối thông qua hệ thống dữ liệu số, dẫn đến mù mờ về thông tin. Người sản xuất thiếu thông tin về thị trường, thị trường thiếu thông tin về sản xuất, khiến mối liên kết cung cầu bị đứt gãy.
Chính sự bất cân xứng thông tin về thị trường, kết nối cung cầu chưa chặt chẽ dẫn đến điệp khúc “được mùa rớt giá”; hoặc đâu đó lại xuất hiện việc "giải cứu nông sản” như hành tím Sóc Trăng, khoai lang tím Vĩnh Long, xoài ở ĐBSCL…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đã đến lúc An Giang và các địa phương khác cần bắt tay ngay vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bắt đầu từ việc xây dựng, hình thành các mã vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xem đây là cuộc cách mạng nhằm thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
An Giang cần thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc chuyển đổi lúc đầu có thể không nhiều, nhưng chất lượng hơn; song về lâu dài khi có thương hiệu thì lợi nhuận sẽ cao hơn, chi phí sản xuất thấp và bảo vệ môi trường.
Từ đó, hướng đến phát triển nền nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái bền vững, vì sức khỏe cộng đồng, giải quyết ổn thỏa bài toán sản xuất và thích ứng…