Chùa Bút Tháp, Bắc Ninh bị cháy
Đêm 21-8, tại chùa Bút Tháp (Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh), một trong bốn di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh này, đã xảy ra một vụ hỏa hoạn. Đám cháy tuy không lớn nhưng đã thiêu rụi một hương án có niên đại thế kỷ XVII, cháy sém một phần bệ tượng và lửa cũng liếm qua một cột gỗ gần đó.
Chưa xác định được nguyên nhân
Khu vực xảy ra hỏa hoạn là tại phủ thờ và khám thờ Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Hiện toàn bộ gian thờ bị cháy đã được Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh khám nghiệm hiện trường và niêm phong, dự kiến nguyên nhân xảy ra cháy sẽ được công bố trong vài ngày tới. Song, theo đoán định ban đầu rất có thể cháy do chập điện vì trên hương án có đặt hai cây nến điện. Theo thông tin của Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh, khoảng gần 2 giờ sáng 21-8, sư bác Thích Minh Tâm thấy mất điện toàn bộ khu vực chùa, cùng với đó là mùi khét. Nhà sư đi kiểm tra thì phát hiện có đám cháy và khói đen bốc ra nghi ngút từ trong phủ thờ. Khoảng 15 phút sau đám cháy được dập tắt. Vào thời điểm xảy ra cháy, sư trụ trì chùa Bút Tháp là Đại đức Thích Thanh Đông đi vắng.
Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý Di sản thuộc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, 8 giờ sáng cùng ngày các cơ quan chức năng đã có mặt, qua kiểm tra xem xét xác định thiệt hại bước đầu. Cụ thể, một hương án gỗ đặt tại gian giữa nhà phủ thờ có niên đại khoảng gần 400 năm, có dạng hình chữ nhật dài 194cm, cao 134cm, rộng 140cm kiểu chân quỳ dạ cá, chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ đề tài tứ linh, tứ quý đã bị cháy hoàn toàn. Đây là cổ vật đẹp, tiêu biểu và điển hình của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII. Trên hương án bài trí một bát hương và đôi lọ hoa bằng gốm men, các hiện vật này đều đã vỡ, mảnh vỡ lẫn trong tro than của hương án.
Hệ thống tượng cổ tại chùa Bút Tháp
Khám thờ và tượng thờ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc - cổ vật quý có cùng niên đại với chùa đặt phía sau hương án cũng bị cháy một phần phía trước thân khám và toàn bộ phần nóc khám thờ. Rất may, tượng thờ chỉ bị cháy sém một phần bệ, phía trước mặt ám khói đen nhưng may mắn lửa chưa bén tới. Ngoài ra, đám cháy đã làm bén một lớp ở phần chân cột cái bên trái gian giữa phủ thờ. Một số hoành, dui và phần mới của Phủ thờ tại vị trí phía trên hương án và khám thờ cũng bị ám khói đen.
Hiện tại, do một phần thân khám thờ bị cháy nên hiện vật này có thể bị sập bất cứ lúc nào. Vì thế, địa phương và nhà chùa đề xuất được gia cố tạm thời để tránh sập các phần gỗ còn lại, đảm bảo cho tượng Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đang đặt bên trong không có hư hại gì.
Mất bò mới lo làm chuồng
Xây dựng từ thế kỷ XVII, chùa Bút Tháp, Bắc Ninh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt bởi những giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo. Cụm kiến trúc trung tâm ở chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên chạy song hành được bố trí đăng đối trên một đường “thần đạo” và được bao bọc bởi hai dãy hành lang chạy suốt dọc chùa ở hai bên. Đó là tòa Tiền Đường, Thượng Điện, Cầu Đá, tòa Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, tòa Hậu Đường và hàng tháp đá. Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng nam, hướng truyền thống của người Việt. Đã trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ. Nổi bật là bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng ngôn ngữ tạo hình hàm súc, là một trong những bảo vật quốc gia của Việt Nam. Ngoài ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi quý giá và cây Cửu phẩm liên hoa trong Tích Thiện am, tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại...
Sau các vụ hỏa hoạn khiến nhiều di tích quý giá biến thành tro bụi như vụ cháy đền thờ Trung túc vương Lê Lai, Thanh Hóa; cháy chùa Tảo Sách, Hà Nội và lần này là cháy tại chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, có lẽ đã đến lúc, ngành văn hóa cần phải có một cuộc rà soát tổng thể về phòng cháy chữa cháy trong di tích. Bởi đối với các di tích văn hóa, nếu có thiệt hại thì không thể đo đếm bằng tiền. Chẳng có tiền nào mua nổi giá trị lịch sử.
VĨNH XUÂN