(SGGP).- Tại cuộc tọa đàm “Giải pháp nào để đường sắt phát triển” tổ chức tại Hà Nội ngày 14-11, nhiều ý kiến đã tập trung làm rõ việc tổ chức, quản lý phương thức vận tải này như thế nào để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, phục vụ tốt việc đi lại của người dân.
Theo ông Vương Đình Khánh, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), có thể tách hạ tầng ra khỏi vận tải đường sắt với điều kiện chúng ta làm đường sắt đôi Bắc - Nam. Từ hàng chục năm nay, biểu đồ chạy tàu vẽ ra 25 đôi nhưng thực tế chỉ chạy được 18 đôi tàu, dù có đầu máy xịn cũng không được vì hạ tầng tổng thể không cho phép.
Hạ tầng đường sắt Bắc-Nam hiện đang quá tải
Do vậy, nếu Luật Đường sắt lần này ra đời mà không tính được đến năm nào có đường sắt đôi thì cũng không tiến bộ hơn luật hiện hành. “Nếu dự thảo luật trình ra Quốc hội là mỗi năm dành 60% tổng chi phí cho đường sắt, giống như dành cho đường bộ kể từ khi đất nước thống nhất, thì 20 năm nữa có thể có đường sắt đôi” - ông Khánh nhấn mạnh. Cũng theo ông Khánh, những hạn chế về hạ tầng đường sắt hiện nay không chỉ làm yếu thế cạnh tranh của ngành mà còn là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao.
Ông Nguyễn Văn Doanh, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN cho biết, đối với các phần hạ tầng cơ bản để chạy tàu, việc thu hút nguồn vốn tư nhân hiện rất khó khăn. Nếu có thì phải có “vốn mồi” với tỷ lệ khá cao. Nếu ở đường bộ, “vốn mồi” là 40%, thì đường sắt phải khoảng 70% - 80%. Vì vậy, trước mắt, nếu tách hạ tầng đường sắt và kinh doanh thì nhà nước vẫn phải gánh vác 100%.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Nhà nước vẫn phải can thiệp vào việc quản lý, đầu tư hạ tầng, nhưng sẽ hướng đến thị trường vận tải. Theo đó, hạ tầng cơ bản sẽ do Nhà nước nắm giữ, nhưng sẽ có một số ga được giao cho tư nhân đầu tư. Các bãi hàng cũng có thể kêu gọi xã hội hóa, không phải là xã hội hóa cả một tuyến.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc thay đổi các quy định không còn phù hợp để tạo động lực thúc đẩy đường sắt phát triển là rất cấp thiết, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn quan điểm trái chiều trong một số nội dung dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Ngày 18-11, tới Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về một số nội dung trong dự thảo luật này.
BÍCH QUYÊN