Tại hội thảo “Đánh giá hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử 2017” do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức ở TPHCM cho thấy: Số lượng người dùng tại Việt Nam tải các game trong nước cung cấp trên kho ứng dụng này chỉ chiếm 26%. Còn game do nước ngoài cung cấp chiếm tới 74%. Trong khi các cơ chế quản lý hiện nay chỉ siết chặt doanh nghiệp (DN) trong nước, còn DN nước ngoài không bị quản lý, khiến DN trong nước rất thiệt thòi…
Cho nên hội thảo này không chỉ nhằm đánh giá tổng quát về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng trong thời gian vừa qua, mà từ đó còn lắng nghe DN với những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng phát triển tại Việt Nam. Thực trạng cho thấy, các game nước ngoài hoạt động thông qua các kho ứng dụng như Google, Apple… khiến việc thất thu thuế của nhà nước ngày càng lớn. Vì thế, cơ quan quản lý cần có các chính sách để quản lý và tạo sự công bằng với DN trong nước.
Về vấn đề Google và Apple bắt DN phải sử dụng phương thức thanh toán của họ khi đưa game lên kho ứng dụng, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Intecom, DN trong nước bị chèn ép rất nhiều, thậm chí bắt buộc phải dùng khi không thể đàm phán được với họ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có tiếng nói, tạo một kênh đối thoại cho DN trong nước để có thể ngồi lại với họ và thúc đẩy DN trong nước phát triển.
Thanh toán game cũng là một vấn đề không có lợi cho DN Việt. Đại diện VNG cho hay, việc Google và Apple bắt buộc các nhà phát hành game phải sử dụng kênh thanh toán của hai hãng này mới được đưa game lên (hiện thanh toán qua Google và Apple chiếm 13%-15%), nếu không sử dụng phương thức thanh toán của họ sẽ không được đưa game lên “chợ” của hai “ông lớn” này. Và không nhiều thì ít, DN trong nước không tránh khỏi bị chèn ép. Để giải quyết vấn đề thanh toán, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể cho hoạt động phát hành thẻ thanh toán trò chơi điện tử trên mạng. Có các chính sách thúc đẩy sử dụng thẻ ngân hàng, ví điện tử để tiến tới mục tiêu xã hội không dùng tiền mặt.
Nhiều DN dự hội thảo cho hay: Hiện nhà mạng đang lấy tỷ lệ quá lớn doanh thu khi thanh toán cho game, DN làm ra 100 đồng thì nhà mạng lấy hết gần 20 đồng. Hiện thanh toán cho 1 game nhà mạng ăn doanh thu từ 18%-20%. Như thế nếu tính các chi phí như tiền bản quyền game, chi phí marketing… thì tính ra doanh thu một game, nhà phát hành thu về chỉ còn 13%-15% và còn phải chi tiếp cho nhân sự, vận hành… khoảng 10%, thì lợi nhuận thu về chỉ còn 3%-5%, con số quá ít với DN tạo ra 100 đồng.
Có nhà phát hành game cho rằng, việc dùng thẻ viễn thông thanh toán quá nhiều cũng nảy sinh các vấn đề như lừa đảo trên mạng. Cũng do thanh toán bằng thẻ viễn thông thì không có hóa đơn, DN lại phải đi mua hóa đơn, gây ra các vấn đề thất thu về thuế… Vì vậy, đề nghị nên có phương án hạn chế thanh toán game bằng thẻ của nhà mạng, khuyến khích các thẻ thanh toán DN…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, bộ tiếp thu ý kiến của DN và sẽ rà soát lại. Các vấn đề thuộc về trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ xử lý sớm để hỗ trợ DN nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành game. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng lưu ý, khi DN thấy các bất cập trong quản lý thì cần ý kiến trao đổi ngay với cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức để sớm được hỗ trợ giải quyết.
Thực ra chuyện các game nước ngoài hoạt động thông qua các kho ứng dụng như Google, Apple khiến việc thất thu thuế của Nhà nước ngày càng lớn hơn, hay Google, Apple “làm khó” DN game Việt hoặc tỷ lệ “ăn chia” với nhà mạng… đã được DN kêu nhiều lần với cơ quan quản lý chứ không phải lần đầu tại hội thảo này, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng cho cả các bên. Do đó, hy vọng sau hội thảo này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có được giải pháp để giúp DN Việt.