Thông tư 03/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT bổ sung Thông tư 07/2010/TT-BGTVT ngày 11-2-2010 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ cho phép các loại xe sơ mi rơ moóc được tăng tải trọng vận chuyển hàng hóa lên 48 tấn vừa có hiệu lực. Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, thông tư này vẫn chưa giải quyết dứt điểm những bất cập hiện nay.
- Vừa ban hành đã sửa đổi
Theo quy định của Thông tư 07, tổng tải trọng tối đa cho phép của tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ moóc khi tham gia giao thông trên đường là 40 tấn trở xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ moóc được thiết kế theo quy chuẩn chung của thế giới và được phép lưu hành khắp toàn cầu với tổng tải trọng 40 - 45 tấn. Do đó, việc khống chế về tổng tải trọng dưới 40 tấn xe đầu kéo sơ mi rơ moóc đã đẩy các doanh nghiệp (DN) vận tải và tài xế vào thế… phải vi phạm pháp luật (!) nếu không muốn rơi vào nguy cơ phá sản.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, với việc khống chế tải trọng xe (so với tải trọng thực của xe nhập khẩu đúng tiêu chuẩn quốc tế) thời gian qua đã có tới 80% số xe chở container hoạt động trái luật, tức hoạt động quá tải.
Trong thời gian qua đã có hàng loạt DN phải hủy bỏ hợp đồng vận chuyển hàng hóa đi- đến các địa phương, khu công nghiệp, nhất là ở khu vực ĐBSCL, vì lãi không đủ bù tiền phạt vi phạm. Một số DN vì hợp đồng đã ký không thể hủy bỏ được thì ngoài bị phạt tiền còn bị tạm giữ phương tiện và tước quyền sử dụng bằng lái của tài xế (trong 30 - 60 ngày).
Trước tình trạng nêu trên, cuối tháng 2, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 03 bổ sung Thông tư 07, cho phép các loại xe sơ mi rơ moóc được tăng tải trọng tối đa vận chuyển hàng hóa khi tham gia giao thông trên đường bộ lên 48 tấn. Cụ thể, tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ moóc 5 trục khi tham gia giao thông trên đường bộ được nâng lên mức 44 tấn (trước đây là 40 tấn trở xuống); xe 6 trục hoặc lớn hơn quy định tổng trọng lượng cao nhất 48 tấn (trước đây không quy định); xe 4 trục là 34 tấn; xe 3 trục là 26 tấn.
Cần sự đồng bộ
Ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Đặng Tiến, bày tỏ: “Việc Bộ GTVT cho phép các loại xe sơ mi rơ moóc được tăng tải trọng tối đa vận chuyển hàng hóa khi tham gia giao thông trên đường bộ lên 48 tấn chỉ mới tạo thuận lợi cho xe container khi qua các trạm cân không bị xử lý về lỗi quá tải, chứ chưa giải quyết được tình trạng quá tải kỹ thuật của các phương tiện khi lưu thông qua các cầu và trục đường quốc lộ do tải trọng cho phép của hệ thống cầu, đường quá thấp so với tải trọng của xe. Bởi lẽ, đa phần cầu, đường ở nước ta hiện nay được xây dựng trước năm 1975 với tải trọng tối đa dưới 30 tấn”.
Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, đặt vấn đề: “Hiện nay, các loại xe sơ mi rơ moóc vận tải hàng hóa đường bộ đang lưu hành ở Việt Nam chủ yếu là xe nhập khẩu, có trọng tải thiết kế theo quy chuẩn chung của thế giới cả thùng hàng và đầu kéo gần 50 tấn. Tuy nhiên, khi về đến nước ta, lấy lý do “để cho phù hợp với tiêu chuẩn cầu đường”, Cục Đăng kiểm Việt Nam thay vì thực hiện chức năng kiểm tra “sức khỏe” của phương tiện, lại đi làm thay công tác của nhà quản lý cầu đường là hạ tải trọng thiết kế của tất cả các phương tiện. Do đó, nếu Bộ GTVT cho phép điều chỉnh nâng mức tải trọng của các loại xe sơ mi rơ moóc lên mà không thay đổi quy định về đăng kiểm thì các DN vẫn bị xử lý vi phạm về lỗi quá tải khi lưu thông trên đường”.
Do vậy, để Thông tư 03 thực sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh những quy định trong đăng kiểm xe hiện nay, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải một cách đồng bộ…
Đình Lý