• Ông Phan Minh Tân: Sản xuất luôn phát sinh chất thải. Tùy vào những ngành nghề hoạt động khác nhau mà chất thải phát sinh cũng khác nhau. Chất thải này có thể là nước thải, khí thải hoặc chất thải rắn. Nếu chất thải này không được doanh nghiệp xử lý trước khi thải ra môi trường thì rất khó lường hết được những hệ quả nguy hại của nó. Tôi đơn cử, Bộ Y tế đã công bố hiện mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000.000 người mắc các chứng bệnh ung thư. Một phần nguyên nhân trong số đó chính là do người dân đã phải tiếp xúc với các hóa chất ô nhiễm là chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Hoặc nhiều làng ung thư đã được phát hiện tại nước ta mà nguyên nhân rõ ràng là do chất thải của doanh nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ngãi… Còn nếu doanh nghiệp tự giác chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường thì có nghĩa là họ đang thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống của người dân xanh, sạch và qua đó thì sức khỏe của người dân cũng được đảm bảo hơn.
• Ông nhắc rất nhiều đến hai từ “tự giác” chấp hành tốt luật bảo vệ môi trường. Vậy phải chăng nếu doanh nghiệp không “tự giác” thì rất khó bắt họ làm theo luật?
• Hoàn toàn đúng như thế. Luật Bảo vệ môi trường hiện rất chặt chẽ và mức xử phạt cũng đủ để răn đe doanh nghiệp. Tuy nhiên, cái khó chính là không đủ nhân lực và vật lực để giám sát liên tục hoạt động xử lý chất thải của doanh nghiệp. Lực lượng quản lý môi trường hiện còn khá mỏng, trang thiết bị vừa lạc hậu lại vừa thiếu. Một năm chỉ khoảng đôi ba lần doanh nghiệp bị kiểm tra trong khi doanh nghiệp lại hoạt động 24/24 giờ. Vậy nếu họ không tự giác thì rất khó kiểm soát.
• Ông có nói đến việc cần tôn vinh những doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt trách nhiệm của mình với cộng đồng. Vậy cách nào để làm được điều này?
• Doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm cao của mình với cộng đồng rất xứng đáng để tôn vinh. Bởi lẽ họ không những đã phải đầu tư khoản chi phí lớn, giảm một phần lợi nhuận sản xuất để xử lý chất thải mà quan trọng hơn họ biết tôn trọng môi trường sống của cộng đồng.
Còn làm thế nào để có thể tôn vinh được họ thì không khó. Tại TPHCM, từ năm 2006 dưới sự khởi xướng của Báo SGGP, UBND TPHCM chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương… cùng phối hợp tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Đây là giải thưởng góp phần tôn vinh những doanh nghiệp đã và đang chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường; đầu tư cho công tác hỗ trợ cộng đồng cùng nâng cao nhận thức trong cải thiện chất lượng môi trường sống... Và năm 2012, hội đồng vừa chọn ra danh sách 50 doanh nghiệp được đề cử tôn vinh.
• Ông có nhìn nhận, đánh giá như thế nào với 50 doanh nghiệp được đề cử tôn vinh lần này?
• Để có cái nhìn tổng quát về 50 doanh nghiệp này trước hết phải nhìn nhận lại từ năm 2006. Khi mới ra đời, tiêu chí xét chọn cho giải thưởng là hết sức gắt gao. Doanh nghiệp phải đạt được gần 20 tiêu chí mới có thể được chứng nhận Doanh nghiệp xanh. Hơn nữa, tiêu chí chỉ dành chung cho tất cả các doanh nghiệp nên rất khó cho doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ tham gia. Xuất phát từ thực tế đó, Ban chỉ đạo giải thưởng do UBND TPHCM chủ trì đã quyết định cải cách tiêu chí. Theo đó, phân loại tiêu chí 1 dành cho doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và có vốn đầu tư nước ngoài. Tiêu chí 2 cho doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa, nhỏ và siêu nhỏ riêng. Theo đó, doanh nghiệp theo tiêu chí 1 sẽ đòi hỏi khắt khe hơn tiêu chí 2. Ngoài yêu cầu chung là phải xử lý hết chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thì còn phải đáp ứng yêu cầu dây chuyền sản xuất hiện đại, có kế hoạch phát triển gắn với bảo vệ môi trường, đặc biệt là phải áp dụng sản xuất sạch hơn…
Nhìn chung, cho đến nay doanh nghiệp tham gia giải thưởng tăng về số lượng và chất lượng. Từ 10 doanh nghiệp được chứng nhận năm 2006 đến nay đã có 50 doanh nghiệp được chứng nhận. Đáng ghi nhận nhất trong năm nay là các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến rất rõ trong việc cạnh tranh thứ hạng Doanh nghiệp xanh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này chứng tỏ quan điểm phát triển gắn với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp Việt đã có sự thay đổi lớn. Ngày 14-12-2012, chúng tôi sẽ chính thức công bố thứ hạng của 50 doanh nghiệp được đề cử Doanh nghiệp xanh lần này. Sau đó, UBND TPHCM sẽ chính thức phát động cuộc vận động người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp này trong Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh 2013.
ÁI VÂN