
Để có cái nhìn cụ thể hơn về thực trạng và việc quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Văn Sinh – Trưởng Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Cần Giờ.
- Thưa ông, xin ông cho biết hiện nay rừng ngập mặn Cần Giờ được quản lý như thế nào?

- Phải nói rằng rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay là một trong những khu rừng được bảo vệ, quản lý tốt nhất Việt Nam. Trước đây, rừng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM quản lý. Từ năm 2000, rừng được giao về cho huyện Cần Giờ quản lý nên tất cả các lực lượng ở địa phương đều tham gia giữ rừng. Trực tiếp là Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, dưới Ban quản lý là các phân khu và các tiểu khu. Hiện nay rừng ngập mặn Cần Giờ chia thành 5 phân khu, 24 tiểu khu. Diện tích bình quân mỗi tiểu khu biến động từ 1.000 – 1.500ha. Nhiều đơn vị như: Tổng đội Thanh niên Xung phong, Nông trường quận 5, Gò Vấp, Du lịch Vàm Sát (Q.11), Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ, Huyện đội Cần Giờ, Biên Phòng 558, Hạt kiểm lâm Cần Giờ… cùng tham gia giữ rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn giao cho 156 hộ dân sống trong rừng trực tiếp giữ rừng. Kinh phí giữ rừng là 445.000 đồng/ha/năm.
- Theo ông, hiện nay những yếu tố cơ bản nào ảnh hưởng đến rừng?
- Tuy rừng được quản lý tốt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố có tác động xấu làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển và tồn tại của rừng. Cụ thể là bình quân mỗi năm có khoảng 100 vụ xâm phạm rừng như chặt cây, đào đất, vận chuyển lâm sản… Chúng tôi đã phối hợp với kiểm lâm để bắt và thi hành những mức phạt khác nhau. Trong 100 vụ thì có hơn 50% là các vụ do người dân từ các vùng lân cận như Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Nai đến vi phạm.
Bên cạnh đó, hiện nay trong rừng còn khoảng 1.000 hộ dân sinh sống. Họ đắp đập, be bờ, sử dụng hóa chất để làm muối, nuôi trồng thủy sản… cũng gây ảnh hưởng đến sự sống tự nhiên của rừng. Theo thống kê, hiện nay có đến 970ha muối nằm trong khu vực rừng.
- Cho đến thời điểm này, chính quyền và Ban quản lý đã có những giải pháp nào đối với dân sống trong rừng, thưa ông?
- Nói một cách nào đó, mình phải tìm cách sống với dân chứ không phải dân chọn cách sống với mình. Bởi lẽ trước khi có khu rừng này thì dân đã sinh sống ở đây từ lâu đời. Tuy nhiên, năm 2005, chúng tôi đã trình xin để giải tỏa các hộ dân đang sinh sống, sản xuất trong vùng lõi nhưng từ nay đến 2010 phải thực hiện xong.
Còn các phân khu phục hồi sinh thái không nằm trong vùng lõi thì phải sau năm 2010 mới có thể tính được vì tiền đền bù rất lớn, trong khi kinh phí hiện nay rất eo hẹp. Trước khi giải tỏa, chúng tôi cũng đã lấy ý kiến, phần lớn người dân đều ủng hộ bởi họ cũng muốn ra ngoài. Tuy nhiên, theo tôi, nếu không có định hướng tốt thì sau khi lấy tiền xài hết họ sẽ trở lại thì rất căng. Trước mắt, chúng tôi đã ban hành những quy chế tạm thời để quản lý và người dân sống trong rừng muốn làm gì phải xin phép.
- Nhiều nhà khoa học cho rằng rừng ngập mặn hiện nay đang có chiều hướng xấu đi. Là người quản lý trực tiếp, ông đánh giá như thế nào?

- Cho đến thời điểm này chưa có con số đánh giá chính xác của một cơ quan nào về những yếu tố ảnh hưởng đến rừng. Tuy nhiên, theo tôi, do khu rừng này là rừng trồng, trước đây quy định khoảng 10.000 cây/ha, tuy nhiên khi trồng không thể “căng dây” chính xác nên con số lên tới 13.000 – 14.000 cây/ha cũng có.
Nguyên nhân này làm cho rừng có mật độ cây dày và từ năm 1999 đã có quy định cấm tỉa thưa nên bây giờ rừng rất dày, cây cao dễ ngã hoặc dễ chết vì sâu bệnh. Về tên gọi cũng ảnh hưởng đến việc quản lý rừng. Hiện nay, rừng ngập mặn Cần Giờ có 3 tên gọi: Rừng phòng hộ Cần Giờ, Khu bảo tồn thiên nhiên rừng mặn Cần Giờ (khoanh vùng khoảng hơn 10.000ha), Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (khoanh vùng hơn 4.700ha), trong khi đó cách quản lý 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng kinh tế của Việt Nam có quy chế riêng ví như rừng phòng hộ thì có thể chặt tỉa và trồng trở lại.
- Vậy ông có đề xuất gì?
- Về mặt pháp lý, cần phải xác định lại cho rõ tên gọi của rừng để dễ quản lý. Về mặt đất đai, Ban quản lý được nhà nước giao đất nhưng lại không có quyền quyết định trong việc cho thuê đất nên hiện nay có tình trạng manh mún, nhiều trường hợp BQL không giải quyết được vì không thuộc thẩm quyền của mình. Việc kinh doanh khai thác tài nguyên của rừng phải có văn bản cụ thể, thống nhất. Mặt khác, là BQL nhưng đụng cái gì cũng phải xin phép rườm rà, nhiêu khê. Thấy một cây sắp ngã muốn khắc phục cũng phải chờ xin phép, lập hồ sơ, phải kết hợp với kiểm lâm. Không được chủ động thì làm sao quản lý tốt được.
- Xin cảm ơn ông.
VIỆT TẤN (thực hiện)