
Một hãng chuyên bán thức ăn nhanh hứa sẽ tặng chiếc máy iPod (nghe nhạc) và một phần học bổng cho những ai muốn trở thành nhân viên phục vụ trong các cửa hàng của họ; chuyên viên ngành kỹ thuật điện được trả lương 170.000 đô-la Canada (CAD) một năm; những tài xế lái xe cam-nhông có thu nhập không thua các kỹ sư... Đó là chuyện ở Canada, cụ thể là miền Tây, nơi đang mở rộng cửa cho dân nhập cư.
- Cần người trong mọi ngành nghề

Alberta, Canada - xứ sở của vàng đen. Ảnh: T.L
Alberta, xứ sở của vàng đen, hầu như không còn người thất nghiệp. Tổng thu nhập quốc dân của bang này đã tăng lên gấp ba lần trong vòng ba năm qua. Chính quyền tiểu bang đang nghĩ tới chuyện bãi bỏ các loại thuế và dự tính tặng cho mỗi người dân Alberta 400 CAD để làm quà Tết.
Trong khi đó, ở bang British Columbia láng giềng, nền kinh tế cũng đang phát triển khá thịnh vượng với tốc độ hơn 3% mỗi năm, ngành du lịch đang nở rộ, các ngành khai thác mỏ, khai thác lâm nghiệp rất cần người. Ở đây, cũng như ở nhiều địa phương khác của Canada, với một dân số có tỷ lệ sinh đẻ thấp và ngày càng có tuổi, người ta lo ngại rằng nạn thiếu nhân lực sẽ là một trở ngại cho sự phát triển.
Theo tính toán của một nhà nghiên cứu kinh tế Canada, nếu không tìm cách tăng thêm dân số bằng cách tăng lượng người nhập cư thì tới năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng nhân lực của Canada sẽ bằng 0. Theo ông, mỗi năm Canada cần thêm 650.000 dân nhập cư. Trong khi đó, con số này của năm 2004 là gần 236.000 người, dự kiến cho năm 2006 là khoảng 255.000 người. Khắp nơi trên đất Canada, nhất là ở các bang miền Tây, người ta đang tìm cách lôi kéo những người nhập cư mới.
Bang Alberta vừa thông qua chính sách nhập cư đầu tiên của mình, trong khi British Columbia lại “ngó nghiêng” phía châu Âu để tìm nguồn nhân lực. Alberta cần đủ mọi ngành nghề: nhân viên phục vụ, tài xế lái xe tải, kỹ sư, thợ điện, thợ nước, y tá, dược sĩ... Để khai thác các mỏ dầu, từ nay tới năm 2008, Canada cần 240.000 người, chỉ riêng Alberta đã chiếm tới 60% số đó. Hãng dầu Total, vừa trở lại Alberta, cũng cần tới 5.000 người trong 10 năm tới.
- Một chính sách hội nhập năng động
Nhưng sẽ nhầm to nếu nghĩ rằng miền Tây Canada là “miền đất hứa” đối với tất cả những ai có ý định tới đây lập nghiệp. Không ít người đã thất vọng do những khác biệt trong cách đánh giá bằng cấp hay chất lượng tay nghề. Đã có những kỹ sư nước ngoài phải đi giao bánh pizza, những bác sĩ phải lái xe ta-xi... Từ tháng tư vừa qua, Chính phủ Canada đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc công nhận trình độ của các nhà chuyên môn vốn được đào tạo ở nước ngoài, trong đó có những người làm việc trong ngành y. Dù vẫn còn những trường hợp cá biệt nhưng chính sách giúp đỡ dân nhập cư hòa nhập vào cuộc sống xã hội của Canada đã thu được nhiều kết quả đáng kể.
Trên một đất nước mà phần lớn người dân là “từ nơi khác đến”, 2/3 dân số cho rằng dân nhập cư “làm giàu có thêm đất nước”, và rằng một nền văn hóa nhiều thành phần (multiculturalisme) có tác dụng “bảo vệ chống lại những sự thái quá”. British Columbia là một ví dụ điển hình, tiểu bang này có tới 1/4 dân số là những người sinh ra ở nước ngoài! British Columbia có chương trình nhắm tới những người có tay nghề thuộc những ngành chiến lược hoặc những người có khả năng thành lập các doanh nghiệp (cũng như có khả năng đầu tư ít nhất 800.000 CAD).
Các tổ chức giúp đỡ người nhập cư -được ví như là chiếc cầu nối giữa người nhập cư trên con đường hội nhập với xã hội - có mặt ở khắp nơi. Người nhập cư được giúp đỡ về thông tin, cố vấn những thủ tục ban đầu, trợ giúp tìm chỗ ở, tìm việc làm, được học tiếng Anh miễn phí... vì “ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất cho việc hòa nhập cộng đồng”.
Rất nhiều người dân Canada hoạt động tình nguyện đã kết nghĩa với những người mới đến, giúp người mới đến trong thời gian bỡ ngỡ ban đầu, điều này cũng làm tăng sự hiểu biết trao đổi giữa những người vốn thuộc những nền văn hóa khác nhau. Chính phủ còn tài trợ cho những hoạt động nhằm ngăn ngừa sự phân biệt nguồn gốc. Thành phố Edmonton còn có chương trình giúp cho các kỹ sư nước ngoài sớm thích ứng với yêu cầu và điều kiện làm việc ở Canada, chi phí tới 20.000 CAD cho mỗi người.
Điều mà chính quyền tiểu bang mong muốn là: Người dân nhập cư vẫn giữ được bản sắc của mình, trong khi trước hết họ phải trở thành người Canada. Bằng cách nào? Bằng việc giúp họ hòa nhập vào nền kinh tế, xã hội, vào các thể chế, và đem lại cho họ một sự đối xử công bằng...
NGUYỄN QUỐC (Theo Le Monde 12-2005)