* Siêu bão đổ bộ vào đất liền sáng sớm nay 19-7
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cơn bão số 2 (Rammasun) là một siêu bão có cường độ rất mạnh và được nhận định là có sức tàn phá nặng nề khi tràn vào miền Bắc. Khi đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, bão vẫn còn đạt cấp 13-14, giật cấp 15-16.
Ngày 18-7, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã chỉ đạo các địa phương nằm trong trung tâm ảnh hưởng của bão gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa... phải dồn toàn lực chống bão, hoãn các cuộc họp không cần thiết để hướng dẫn người dân phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản nơi bão đổ bộ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã trực tiếp có mặt tại tỉnh Quảng Ninh, nơi tâm bão dự báo sẽ đi qua và được nhận định là nơi có thể gánh chịu thiệt hại nặng nề do bão gây ra. Tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Cao Đức Phát với tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, cho biết thêm: bão số 2 đã tăng lên 1 cấp, thành cấp 15 (siêu bão). Khoảng sáng nay 19-7, tâm bão sẽ tràn vào Móng Cái (Quảng Ninh). Đây là một cơn bão rất mạnh và có mắt bão. Do vậy sức tàn phá rất nặng nề. Bão số 2 cũng sẽ gây mưa to cho nhiều khu vực ở miền Bắc với cường độ lên tới 400- 500mm (cao hơn nhiều những cơn bão mạnh trước đây). Sóng biển ở ven bờ cao 5 - 6m nên rất nguy hiểm đối với các tuyến đê biển.
Trước tình hình bão số 2 rất nguy hiểm, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết trong hai ngày 17 và 18-7, tỉnh Quảng Ninh đã hoãn nhiều cuộc họp để dồn lực chống bão. Tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác đi hỗ trợ và chỉ đạo các địa phương chống bão. Theo lệnh chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến chiều 18-7, tất cả các tàu thuyền đánh cá và tàu du lịch đều đã được sơ tán đi tránh bão vào các âu, vịnh kín gió. 229 tàu đánh bắt xa bờ và hơn 6.664 tàu đánh cá nhỏ công suất dưới 90CV đã trở về bờ tránh bão.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Công Thuận, Phó chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh, cho biết đã sơ tán hơn 7.600 người dân ở các lồng bè và nhà hàng, tàu khai thác thủy sản trên các khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, đảo Cô Tô, đảo Quan Lạn... về bờ. Tại TP Hạ Long đã đưa trên 324 hộ dân ở khu làng chài Vung Viêng lên bờ tại phường Hà Tu. Hàng chục hộ dân đang sống bên khu vực bị sạt lở ở phường Giếng Đáy - TP Hạ Long cũng được di chuyển tạm đến những nơi an toàn hơn. Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Ninh cũng đã lập 3 Sở chỉ huy tiền phương thường trực tìm kiếm cứu nạn tại Móng Cái, Quảng Yên và Hạ Long. Đồng thời huy động hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ, phương tiện giúp người dân sơ tán và phòng chống bão. Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị 250 nhà bạt, 3.000 áo phao và hàng ngàn bao tải cát, rọ thép để gia cố đê điều.
Lúc 21 giờ 30, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có buổi làm việc khẩn với UBND TP Móng Cái. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu các lực lượng chức năng của Móng Cái và Quảng Ninh tiếp tục rà soát thật kỹ từng khu dân cư, các địa điểm trọng yếu, đê sông, biển để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do siêu bão số 2 sắp đổ bộ vào sáng sớm 19-7. Ngay sau cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu Móng Cái ngay trong đêm 18-7 phải di dời 1.963 hộ dân tại phường Hải Hòa vì đây là điểm trọng yếu có nguy cơ ngập lụt và sạt lở. Về phía TP Móng Cái cũng đã huy động tối đa các lực lượng ứng trực suốt đêm để chống bão và giúp đỡ người dân và tiếp tục tổ chức di dời các hộ dân ở những nơi nguy hiểm tới tránh trú ở các trường học, nhà văn hóa.
Tối 18-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại TP Hải Phòng. Tại khu vực cảng cá Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, nơi được xác định là một trong những khu vực có thể nằm trong tâm bão, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của Hải Phòng trong việc phòng chống cơn bão số 2. Đặc biệt TP đã chủ động và có biện pháp hữu hiệu kêu gọi các phương tiện trên biển vào bờ, tránh tình trạng số lượng lớn tàu thuyền tập trung ở một cảng gây nguy hiểm. Địa phương cũng đã có phương án di dân bài bản, bảo đảm an toàn tối đa cho người và tài sản. Nếu quận huyện nào có thiệt hại lớn thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh phải tiếp tục theo dõi bởi cơn bão này đi vào Hải Phòng vào ban đêm. Tiếp tục rà soát ngay những khu vực dân cư nằm trong khu vực nguy hiểm. Yêu cầu cấp bách nhất vẫn luôn là không để thiệt hại đến người và của.
|
VĂN PHÚC - KHÁNH NGUYỄN
Hàng loạt chuyến bay đi/đến Hải Phòng phải hủy, lùi chuyến
(SGGP).- Ngày 18-7, Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JPA), cho biết, ảnh hưởng của cơn bão Rammasun (cơn bão số 2), VNA sẽ hủy chuyến và điều chỉnh giờ khai thác trong trên các đường bay đi/đến Hải Phòng trong ngày 19-7. Theo đó, trên đường bay giữa TPHCM - Hải Phòng, VNA sẽ hủy 2 chuyến bay (VN1182, VN1183) và điều chỉnh giờ khai thác 4 chuyến: VN7186 (chuyển từ 8 giờ 30 thành 12 giờ), VN1186 (chuyển từ 9 giờ 55 thành 13 giờ), VN7187 (chuyển từ 11 giờ 20 thành 14 giờ 50) và VN1187 (chuyển từ 12 giờ 45 thành 15 giờ 50). Trên đường bay giữa Đà Nẵng - Hải Phòng, VNA hủy 2 chuyến bay VN1670, VN1671. Toàn bộ hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay bị hủy giữa Đà Nẵng/TPHCM - Hải Phòng sẽ được chuyển sang các chuyến bay chiều 19-7 (VN1672, VN1673, VN1186, VN1187, VN7186, VN7187, VN1188, VN1189).
VNA sẽ hỗ trợ các thủ tục liên quan đến việc đặt chỗ, hoàn, hủy hoặc đổi vé cho hành khách. Hành khách nên truy cập thường xuyên vào trang www.vietnamairlines.com hoặc liên hệ các phòng vé của VNA để biết thêm chi tiết.
JPA cũng thông báo ngày 19-7, các chuyến bay đi/đến Hải Phòng được điều chỉnh lùi lại vào buổi chiều. Trong đó, trên đường bay giữa TPHCM - Hải Phòng, JPA điều chỉnh giờ khai thác 3 chuyến bay: BL510 (chuyển từ 10 giờ 35 thành 14 giờ), BL516 (chuyển từ 18 giờ 55 thành 19 giờ). BL511 (chuyển từ 13 giờ 10 thành 16 giờ 30). Trên đường bay giữa TPHCM - Cam Ranh, JPA cũng điều chỉnh giờ khai thác sớm hơn đối với 2 chuyến: BL638 (chuyển từ 15 giờ 45 thành 10 giờ 35), BL639 (chuyển từ 17 giờ 25 thành 12 giờ 20). Ngoài ra, các chuyến bay BL522, BL523, BL266 và BL267 giữa TPHCM - Phú Quốc/Vinh cũng được JPA điều chỉnh lùi 30 phút so với kế hoạch. Hành khách có thể liên lạc với tổng đài của JPA theo số điện thoại 19001550 (hoạt động 24/7) để được phục vụ.
MỸ HẠNH
>> Bão số 2 có cường độ mạnh: Chủ động ứng phó thiên tai