Dư âm của hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra chưa dứt, ngành y tế TPHCM lại đang đối mặt với thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nghiêm trọng. Bên cạnh tác nhân gây ngộ độc là vi sinh vật chưa được cải thiện, số vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên và hóa chất lại gia tăng. Các cơ quan quản lý đã gần như bất lực…
- Ngộ độc dồn dập
TPHCM vừa liên tục xảy ra các vụ ngộ độc tập thể. Chỉ riêng tháng 6 vừa qua, đã có 4 vụ ngộ độc lớn làm cả trăm người phải cấp cứu. Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 300 công nhân của Công ty May mặc Wooyang Vina II (đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) nhập viện vào ngày 30-6. Điều đáng nói, qua kiểm tra, tình trạng vệ sinh bếp ăn của công ty không đảm bảo. Mới đây là vụ 100 công nhân Công ty TNHH Latex (lô 36, KCX Linh Trung 1, Thủ Đức, TPHCM) buồn nôn, nổi ngứa, ngất xỉu sau khi ăn cơm trưa và phải cấp cứu.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, ngậm ngùi: “Tình trạng ngộ độc dồn dập vừa qua khiến các cơ quan quản lý trở tay không kịp. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số vụ có giảm nhưng số nạn nhân tăng 50%, khoảng cách giữa các vụ ngộ độc cũng quá gần nhau”.
Theo Sở Y tế TPHCM, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2011 đã có 5 vụ ngộ độc tập thể khiến 628 người mắc thì hết 3 vụ đã có số mắc trên 30 người. Trong khi cả năm 2010 có 13 vụ ngộ độc tập thể và 734 người mắc. Điều đó cho thấy mặc dù Sở Y tế TPHCM khẳng định tình hình ngộ độc tập thể được kiểm soát và giảm nhưng thực tế lại đang tăng.
Phân tích về nguyên nhân, ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho rằng, ngộ độc do vi sinh vật giảm nhưng do độc tố tự nhiên và hóa chất tăng lên. Nếu như năm 2005 không có vụ ngộ độc thực phẩm nào do độc tố tự nhiên thì năm 2007 có 21% số vụ được xác định mắc độc tố histamine có trong cá ngừ, năm 2009 là 45%. Tình trạng này tại TPHCM phù hợp với những gì mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) ghi nhận. Theo cục này, trong 6 tháng đầu năm 2011 toàn quốc đã xảy ra 53 vụ ngộ độc với 1.776 nạn nhân, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc do vi sinh vật (17 vụ), hóa chất (10 vụ), do độc tố tự nhiên (17 vụ)...
- Buông lỏng quản lý
Thực tế cho thấy hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm đều xảy ra tại bếp ăn tập thể của các công ty, xí nghiệp hoặc từ các dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện TP có hơn 2.455 cơ sở với 2 loại hình trên. Đó là chưa kể với đặc thù của một TP công nghiệp, TPHCM có 13 KCN-KCX với hàng trăm ngàn công nhân lao động được cung cấp bữa ăn tại bếp ăn công ty hoặc nhận suất ăn sẵn bên ngoài. Thế nhưng, dù Chi Cục ATVSTP năm nào cũng báo cáo tình hình vệ sinh ở các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp rất khả quan nhưng qua công tác thanh kiểm tra cho thấy sự thật không như báo cáo.
Ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, mặc dù các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSTP rất thấp. Đơn cử, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra 105 cơ sở trong 6 tháng qua, có 74 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP vi phạm quy định (chiếm 78,7%).
Qua đó thấy rằng cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP chỉ mang tính hình thức mà chưa có sự kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, theo ông Bình, các cơ quan y tế quận huyện cũng gần như bỏ ngỏ việc quản lý. Điển hình như các bếp ăn tập thể tại KCN Vĩnh Lộc không chấp hành các quy định pháp luật về ATVSTP nhưng từ đầu năm đến nay hầu như chưa được các đoàn thanh, kiểm tra quận huyện nào giám sát.
Thực tế từ các vụ ngộ độc cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về ATVSTP và để xảy ra tình trạng trên một phần là do sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng. Việc thanh kiểm tra của lực lượng y tế dự phòng quận huyệnchỉ như cưỡi ngựa xem hoa.
TƯỜNG LÂM