Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 9-2011, cảng sông Phú Định, cảng sông lớn nhất TPHCM, sẽ khánh thành và được đi vào hoạt động. Cảng tọa lạc trên một khu đất rộng 64 ha, nằm bên bờ sông Chợ Đệm thuộc địa bàn quận 8. Ngân sách TP đã đầu tư hơn 360 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho khu cảng này.
Đã rộng cửa nhưng... chưa có khách vào
Ngay sau lễ Quốc khánh 2-9-2011, chúng tôi đã tới cảng sông Phú Định. Hầu hết các hạng mục quan trọng như cầu cảng, kho, bãi và ngay cả trụ sở văn phòng của cảng đã “hòm hòm” xong. Trên bến cảng, vài chiếc tàu đã “lên, xuống” hàng. Tuy nhiên, nhìn quanh, những hoạt động nêu trên vẫn chưa đủ “sức” làm cho cảng Phú Định chộn rộn, toát lên sức sống đáng lẽ phải có của một khu cảng được đầu tư, được quy hoạch làm cảng sông lớn nhất TPHCM. Ông Trần Hòa Lan, Giám đốc cảng sông Phú Định, tâm tư cho biết, vấn đề là xung quanh cảng còn có rất nhiều bến sông tự phát của tư nhân. Các bến này đa phần không cầu cảng, không bến bãi… nên các chủ tàu “ra giá nào”, chủ bến cũng có thể “linh hoạt” đồng ý.
Cảng sông Phú Định được đầu tư bài bản với hệ thống cầu cảng, kho, bãi... tưởng chừng là lợi thế so với sự xềnh xoàng, rẻ tiền của các bến tự phát nhưng thực tế đã chứng minh không phải vậy. Ngay như trong dịp Tết Nguyên đán 2011 vừa qua, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, cảng sông Phú Định đã mở rộng cửa, sẵn sàng đón tàu, ghe ra vào (dù chưa chính thức khánh thành), đặc biệt là những tàu ghe chở hàng phục vụ tết song hầu như không có tàu ghe nào vào mặc dù cảng nằm ở vị trí khá đắc địa: đối diện chợ đầu mối Bình Điền.
Dạo bước dọc con sông Chợ Đệm rồi vòng lên cả kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ nằm gần đấy, chúng tôi hiểu được phần nào tâm tư của ông Trần Hòa Lan. Quả là có rất nhiều bến tự phát của người dân nằm dọc theo bờ sông, kênh. Điểm nhận biết của phần lớn các bến này là một cọc sắt cao khoảng 3 tấc đóng chắc chắn trên bờ sông. Cây cọc có nhiệm vụ làm cọc neo cho tàu, ghe cập bến. Ngoài ra, người ta cũng có thể xác định được các bến tự phát bằng… lượng hàng hóa chất đống trên bờ. Do không có kho, bãi nên đa phần người dân dùng luôn bờ sông làm nơi lên, xuống hàng. Những ngày hàng về nhiều, không kịp chuyển đi, tràn ra vỉa hè, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông của cả khu vực.
Cạnh tranh lành mạnh, ổn định trật tự giao thông
Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải thủy của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết, quan điểm của Sở Giao thông Vận tải là không “tạo điều kiện cũng như không cho phép” cảng sông Phú Định độc quyền kinh doanh cảng sông trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, các cảng sông phải cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về vận tải đường sông, ông Trần Thế Kỷ cho biết: pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực này là bến cảng phải được xây dựng đúng quy hoạch với các bến tàu, kho bãi… đảm bảo tiêu chuẩn cho phép. Doanh nghiệp thuộc bất cứ thành phần kinh tế nào không đáp ứng được các yêu cầu trên đều không được kinh doanh cảng sông. Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với chính quyền quận 8, Thanh tra Giao thông Vận tải kiểm tra các bến cảng sông và sẽ tiến hành xử lý, yêu cầu đình chỉ các bến tự phát, hoạt động không đúng quy định, không an toàn.
Theo Quy hoạch Phát triển mạng lưới giao thông đường thủy của TPHCM, ngoài cảng sông Phú Định, TPHCM còn một hệ thống cảng sông ở khu vực quận 4, quận 7… Tuy nhiên, cảng Phú Định vẫn được xác định là cảng sông lớn nhất TPHCM với vai trò làm đầu mối trung chuyển hàng hóa từ các cảng biển ở TPHCM tới đồng bằng sông Cửu Long bằng sông, hệ thống kênh, rạch vốn rất đa dạng của TP và miền Tây Nam bộ. Không chỉ có vậy, mong muốn của lãnh đạo TP thông qua việc đầu tư xây dựng cảng sông Phú Định còn là từng bước sắp xếp lại hoạt động của các cảng sông nói riêng và hoạt động vận tải đường thủy nói chung vốn còn khá lộn xộn.
Trong khả năng của mình, Ban giám đốc cảng sông Phú Định đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách hàng như sẵn sàng cho thuê kho lâu dài và tạo điều kiện cho khách hàng xây dựng kho phù hợp với loại hàng hóa của mình… Đã có 2 doanh nghiệp lớn là hãng nước mắm Chin Su và doanh nghiệp Phú Quang ký hợp đồng hợp tác dài hạn với cảng sông Phú Định. Thế nhưng, như chính ông Trần Hòa Lan thừa nhận, một mình doanh nghiệp không thể gánh vác hết trách nhiệm này. Ngành chức năng và chính quyền địa phương phải nỗ lực hết mình trong chức trách được giao để tạo ra được một môi trường kinh doanh tốt cho tất cả các doanh nghiệp.
Đây là cơ sở quan trọng để đồng vốn của người dân cũng như của nhà nước được sử dụng hiệu quả không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn giúp phát triển vận tải đường sông, giảm tải cho đường bộ, lập lại trật tự an toàn cho cả đường sông và đường bộ.
Liên thông đường bộ và đường thủy Lãnh đạo cảng sông Phú Định vừa có văn bản gởi Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề nghị tạo điều kiện cho hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên hoàn với cảng. Theo văn bản này, chỉ còn một đoạn đường ngắn khoảng 1,5km nối từ đường Võ Văn Kiệt vào đường Hồ Ngọc Lãm tới cảng thường xuyên bị ngập nước nên xe chở hàng hóa ra, vào cảng gặp rất nhiều khó khăn. Đường An Dương Vương, một tuyến đường khác kết nối với cảng cũng thường xuyên bị ngập nước… Với thực trạng này, cảng sông Phú Định, khu cảng được ngân sách TP đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khó hoạt động có hiệu quả. Chưa rõ bao giờ tình trạng nêu trên sẽ được khắc phục như thế nào và bao giờ vì như chính Sở Giao thông Vận tải chia sẻ: kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường luôn luôn thiếu. Thế nhưng, nếu đầu tư không hoàn chỉnh như vậy, rõ ràng cũng là một sự lãng phí. Một dạng lãng phí mà việc tái cơ cấu nền kinh tế cần lưu tâm giải quyết. S.LAM |
TÂM ĐỨC