
Hai tháng đầu năm 2006, tình hình buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp tại Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức báo động với các địa bàn “nóng” là TPHCM, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh và Lạng Sơn. Theo Cục Kiểm lâm Việt Nam, mặc dù số ĐVHD thu giữ được chỉ bằng khoảng 10% số lượng buôn bán lậu, song chỉ riêng trong tháng 1, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 66 vụ, với gần 150.000 cá thể ĐVHD, trong đó có 141.000 động vật thuộc loại quý hiếm.
- Cầu còn thì cung ắt còn!

Động vật hoang dã vận chuyển trên xe bị phát hiện tại Đà Nẵng.
Một cuộc khảo sát do Cục Kiểm lâm phối hợp với Quỹ Bảo tồn quốc tế về thiên nhiên (WWF) thực hiện kết thúc cuối năm 2005 đã cho những kết quả rất đáng lưu ý.
Trong hơn 2.000 người dân Hà Nội ở độ tuổi từ 18 đến 60 thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau được khảo sát, có gần 50% cho biết đã từng sử dụng sản phẩm từ ĐVHD, đại đa số còn lại chưa dùng vì không có tiền (chứ không phải do e ngại ảnh hưởng đến môi trường) và “sẵn sàng sử dụng nếu có điều kiện”.
Đáng buồn hơn nữa là những người có trình độ học vấn cao sử dụng nhiều sản phẩm từ ĐVHD nhiều hơn những người có học vấn thấp; giới doanh nhân và công chức nhà nước là hai tầng lớp sử dụng các loại sản phẩm từ ĐVHD nhiều hơn cả.
Hầu hết số người được hỏi không biết về những văn bản pháp luật có liên quan đến bảo vệ ĐVHD quý hiếm. Một số người biết đến khái niệm “tuyệt chủng” nhưng mối đe dọa này không hề làm ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của họ! Cầu có, ắt có cung. Thị trường buôn bán bất hợp pháp ĐVHD tại Việt Nam mỗi năm có giá trị trên dưới 70 triệu USD!
- ...và mối nguy rừng rỗng
Trong khi đó, nhiều tổ chức quốc tế về môi trường, đặc biệt là WWF đã cảnh báo Việt Nam về nguy cơ “rừng rỗng” như đã từng xảy ra ở một số địa bàn của nước bạn Lào. Đơn cử như loài voi. Năm 1990, số voi ngoài tự nhiên ở Việt Nam vào khoảng 2.000 con nhưng đến năm 1999 các nhà khoa học ước tính chỉ còn từ 150 đến 200 con và hiện nay còn thấp hơn nhiều - không quá 100 con.
Được biết, trong danh mục các loài động thực vật quý hiếm cần được bảo vệ dự kiến được ban hành trong tháng 3 tới, loài voi đã được nâng cấp từ mức “sẽ nguy cấp” (V) lên mức “nguy cấp, đang bị đe dọa tuyệt chủng” (E).
Điều đáng nói là bất chấp nhiều nỗ lực của lực lượng kiểm lâm trong thời gian qua, việc phát hiện và xử lý các vụ buôn bán bất hợp pháp ĐVHD tại nước ta còn rất hạn chế. Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân (TRAFIC Đông Nam Á - một tổ chức quốc tế về bảo vệ ĐVHD) nhận xét hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐVHD tại VN rất phức tạp, khó kiểm soát vì Việt Nam vừa là thị trường tiêu dùng, vừa là nguồn cung cấp và đường quá cảnh ĐVHD ra thị trường thế giới.
Tỷ lệ phát hiện được thấp (không quá 10%). Hàng chục vụ trung chuyển ĐVHD vi phạm Công ước quốc tế CITES bị phát hiện đều có chung kết cục là phải tiêu hủy tuyệt đại đa số ĐVHD thu giữ được, còn những kẻ vi phạm thì chưa phải nhận lĩnh những án phạt nghiêm minh! “Nếu tình hình hiện nay không được cải thiện, tôi chắc di sản mà chúng ta để lại cho thế hệ tương lai sẽ là những khu rừng rỗng! Kèm theo đó là những ẩn họa thiên nhiên đáng sợ khác như lũ lụt, trượt đất, dịch bệnh...”- bà Vân nói.
Theo bà, bên cạnh việc đảm bảo thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, điều quan trọng hơn cả là định hướng tiêu dùng: “Chúng ta không thể cấm hoàn toàn việc tiêu dùng các sản phẩm từ ĐVHD, nhưng có thể yêu cầu người tiêu dùng hạn chế, chỉ sử dụng các sản phẩm hợp pháp, nghĩa là được khai thác có kiểm soát”.
ANH THƯ