Tiếp đó, đầu tháng 6-2020, Đức thông báo sẽ rót thêm 130 tỷ EUR (153 tỷ USD) vào các cơ chế hỗ trợ khác, trong đó có cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hành động này tuy nhận được nhiều ủng hộ của người dân và doanh nghiệp nhưng cũng gây ra phản ứng trái chiều. Theo cảnh báo của Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Deutsche Bank của Đức, ông Christian Sewing, viện trợ của chính phủ giúp các công ty yếu kém ứng phó với đại dịch có thể dẫn tới sự ra đời của các “công ty xác sống”, theo đó sẽ tạo gánh nặng cho nền kinh tế Đức. Số lượng công ty dạng này càng đông, nền kinh tế Đức sẽ bị tác động càng lớn. Thuật ngữ “công ty xác sống” chỉ những doanh nghiệp sống sót nhờ các khoản trợ cấp và cứu trợ của chính phủ để tránh vỡ nợ.
Ông Christian Sewing dẫn một nghiên cứu của cơ quan tín dụng Creditreform cho biết số “công ty xác sống” tại Đức có thể tăng gấp đôi, theo đó cứ 6 công ty có 1 công ty loại này, do các khoản trợ cấp liên quan đến đại dịch. Cảnh báo của ông Sewing được đưa ra sau khi cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng các chính phủ nên sử dụng các ngân quỹ kích thích kinh tế để tạo việc làm cho giới trẻ hơn là hỗ trợ việc làm cho những người đang có việc. Ông Mario Draghi khẳng định, sẽ rất tốt nếu các chính phủ tạo được việc làm và xóa bỏ trợ cấp, và điều này đặc biệt tốt đối với giới trẻ.
Cảnh báo này được đưa ra trong thời điểm khủng hoảng đại dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của nhiều công ty tại Đức. Theo Creditreform, ba ngành công nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản nghiêm trọng là ngành giải trí, du lịch và khách sạn. Trước những bình luận cho rằng Đức đang chi tiêu khá mạnh tay cho gói cứu trợ thay vì “thắt chặt hầu bao” như trước đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann cho biết Đức vẫn duy trì thực hiện chính sách tiết kiệm để có nguồn tài chính dự phòng cho những giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.
Chính phủ Đức đánh giá suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ không nghiêm trọng như nhận định trước đây, mà chỉ tương đương khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước. Theo nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Peter Altmaier, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm nay có thể chỉ giảm 5,8%, thấp hơn mức dự báo âm 6,3% đưa ra hồi tháng 4 và gần như ngang bằng mức suy giảm 5,7% của năm 2009, thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính.
Nhận định về tăng trưởng GDP trong năm 2021 lại ít lạc quan hơn so với dự báo trước đó. Các chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức đánh giá kinh tế Đức đang có xu hướng phục hồi theo hình chữ V, tức là tiếp theo sự sụt giảm sẽ là GDP tăng mạnh trở lại, nhưng dự báo tăng trưởng năm 2021 có thể chỉ đạt 4,4%, thấp hơn nhiều so với dự báo 5,2% được đưa ra từ mùa xuân. Dự báo này cho thấy việc kinh tế Đưc phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ phải mất một thời gian nữa.