Cảnh giác cháy nổ nơi thờ tự

Đình, chùa, miếu (gọi chung là những nơi thờ tự) có nguy cơ cháy nổ cao do tồn trữ nhiều vật liệu dễ cháy như nhang đèn, giấy cúng, vải màng, dầu lửa… Đầu năm, nguy cơ cháy nổ ở những nơi này tăng cao do lượng người đến hành hương, cúng viếng, cầu may đông. Thế nhưng, hiện nay tại một số đình, chùa ở TPHCM, công tác phòng cháy vẫn chưa được chính quyền, ngành chức năng, chủ quản nơi thờ tự và người dân quan tâm thực hiện. 

Gia tăng nguy cơ

Đã có nhiều vụ cháy nơi thờ tự xảy ra trên địa bàn TPHCM. Đơn cử, năm 2008, xảy ra vụ cháy tại chùa Đức Quang (quận 4), thiệt hại hơn 1 tỷ đồng; năm 2010, chùa Sùng Đức (quận 11) bị “Bà Hỏa” ghé thiêu rụi nhà kho.

Đặc biệt, năm 2012, chùa Hội Sơn (quận 9, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia) xảy ra cháy khiến toàn bộ chánh điện bị đổ, hơn 30 tượng Phật lâu đời, 15 bàn thờ, hàng trăm bộ kinh kệ, hòm tiền công đức, nhiều vật dụng thờ cúng... bị thiêu rụi. Thiệt hại từ những vụ cháy nơi thờ tự là không thể đo đếm; đáng lo như vậy, song công tác PCCC tại nhiều đình, chùa hiện nay rất lơ là.

Cảnh giác cháy nổ nơi thờ tự ảnh 1 Hiện trường vụ cháy chùa Hội Sơn
Từ sau Tết Kỷ Hợi 2019 đến nay, lượng người từ khắp nơi đổ về các đền, chùa rất đông. Tại chùa Vĩnh Nghiêm (phường 7, quận 3), đề phòng cháy nổ, nhà chùa đã bố trí người liên quan nhắc nhở, hướng dẫn Phật tử, người dân đến hành hương thực hiện đúng theo trình tự.

Dù vậy, không ít trường hợp người dân vẫn bất chấp, mang nhang đã đốt cháy vào chánh điện; một số người khác còn tự ý đốt vàng mã, giấy cúng ở nơi không đốt. Một số người dân khi đến chùa vô tư hút thuốc, vứt tàn thuốc ra xung quanh. Ở một số chùa, đình khác như đình Bình Đông, chùa An Phú (quận 8), chùa Ấn Quang (quận 10)… cũng trong tình trạng tương tự.

Đại diện Đội Cảnh sát PCCC - Cứu nạn cứu hộ (Công an quận 3) cho biết, ngoài nguồn lửa, nhiều nguồn nhiệt (đốt nhang, giấy cúng…), một yếu tố khác dễ dẫn đến cháy nổ là phần lớn hệ thống điện ở các nơi thờ tự hiện nay chưa an toàn. Nhiều nơi tự ý câu nối, lắp đặt dây điện chưa đúng kỹ thuật, dễ dẫn đến quá tải, chạm chập điện. Một số chùa có hệ thống điện xuống cấp, cũ kỹ chưa được thay mới. Những bất cập này rất dễ dẫn đến sự cố hỏa hoạn, khi xảy ra rất dễ cháy lan cháy lớn.

Có phương án phòng ngừa lâu dài

Đánh giá về công tác phòng ngừa cháy nổ ở các nơi thờ tự trên địa bàn TPHCM hiện nay, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07 - Công an TPHCM) khẳng định, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy. “Phần lớn các nơi thờ tự được xây dựng từ rất lâu. Sau này một số chùa, đình có duy tu, sửa chữa; tuy nhiên về kết cấu phần lớn làm bằng gỗ, chất liệu dễ cháy.

Đáng chú ý hơn, một số công trình đang xuống cấp, khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, rất dễ cháy lan, cháy lớn”, đại diện PC07 cho hay. Đơn vị này cũng cho biết, đang phối hợp với chính quyền các quận huyện, Sở Xây dựng TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tổng rà soát, đánh giá, phân loại nguy cơ cháy ở từng ngôi chùa, đình, miếu… trên toàn địa bàn thành phố để có kế hoạch phòng ngừa cháy nổ hiệu quả về lâu dài.

Hiện nay, sau Tết Nguyên đán 2019, lượng người hành hương đến các nơi thờ tự rất đông. Về giải pháp trước mắt, PC07 tham mưu Ban Giám đốc Công an TPHCM yêu cầu công an các quận huyện bố trí, cắt cử cán bộ - chiến sĩ túc trực ở các chùa để hướng dẫn, nhắc nhở nhà chùa và người dân thực hiến đúng các quy định về an toàn cháy nổ.

Cảnh giác cháy nổ nơi thờ tự ảnh 2 Đốt vàng mã, giấy cúng là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở nơi thờ tự
Đồng thời, PC07 cũng tổ chức đợt kiểm tra chuyên đề, lưu ý các nguy cơ cháy nổ, yêu cầu các nơi thờ tự nhanh chóng khắc phục các bất cập, tồn tại về PCCC. PC07 dự báo, trong khoảng thời gian từ nay đến hết quý 1-2019, người dân đến hành hương tại nơi thờ tự còn tiếp tục tăng. Vì thế, đơn vị này khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng và chữa cháy; nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, chỉ dẫn của người có trách nhiệm tại các nơi thờ tự; không tự ý đốt vàng mã, mang chất đốt dễ cháy vào các chùa, đình, miếu…

Đại diện chính quyền UBND các quận: 8, 12, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Tân,  cho biết đã yêu cầu công an quận phối hợp cùng mặt trận, đoàn thể địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC bằng nhiều hình thức ở các nơi thờ tự. Qua đó, nâng cao ý thức chủ quản nơi thờ tự, người dân, không để vi phạm xảy ra dẫn đến các sự cố, tai nạn đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục