Cảnh giác với những chiêu lừa

Cảnh giác với những chiêu lừa

Không cần dùng những hình thức tinh vi, các đối tượng lừa đảo thường đánh vào tâm lý thương người của thiên hạ mà ra tay. Nhiều nạn nhân bị lừa cho rằng, số tiền không đáng là bao nhiêu, thôi kệ! Nhưng đối với kẻ lừa đảo, một ngày chỉ cần hơn chục nạn nhân bị dính bẫy thì số tiền kiếm được đã đủ để sống phè phỡn.

Ông già “tội nghiệp”!

Cảnh giác với những chiêu lừa ảnh 1
Ông già “tội nghiệp” với rổ khoai mì. Ảnh: M.Đ

Buổi trưa nắng như đổ lửa, con đường Võ Văn Tần, quận 3, ken chặt người vì kẹt xe. Một người đàn ông khắc khổ lượm từng củ khoai mì dính đầy đất cát dưới đường cho vào khay. Lâu lâu, ông ngồi thừ người ra, lấy tay quệt vội những giọt mồ hôi trên trán.

Nhiều người dừng xe, chặc lưỡi “tội nghiệp quá!”. Một cô gái đi chiếc SH màu trắng vòng xe đến bên ông già dúi vội tờ 50.000 đồng vào tay ông. Nhiều người đi đường cũng góp vào, người năm ba chục. Một phụ nữ đón con đi học về, dừng xe, nhét vội vào tay con 20.000 đồng. Đứa bé líu ríu đưa cho ông bằng hai tay.

Khi số tiền mà người đi đường cho đủ để ông lão mua được khoảng 10 khay khoai mì thì lão đứng dậy bỏ đi, vòng qua đường Lê Quí Đôn và dừng lại ở một gốc cây, giở chiếc xô đỏ ra, chất thêm vài củ khoai mì vào, sau đó vòng qua đường Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi tìm được vị trí thích hợp, lão buông tay cho khay mì rớt xuống đất. Cảnh đau khổ lại tái diễn. Người đi đường lại thương cảm!

Gã đàn ông này đã diễn thảm cảnh trên rất nhiều lần ở các quận 4, quận 7… và mới chuyển “địa bàn” qua quận 1 và quận 3, có ngày thu được hơn 1 triệu bạc!

Chú bé với điệp khúc “bị cướp vé số”…

Chập choạng tối tại góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn (trước cổng Thư viện Quốc gia TPHCM), một cậu bé ngồi dưới gốc cây nấc lên từng chập, nước mắt giàn giụa.

Nhiều người đi đường xúm lại hỏi han, cậu bé kể lể: “Có hai anh thanh niên chạy xe máy cướp hết vé số của con rồi! Con không dám về nhà, sợ ba đánh lắm!”. Thấy tội nghiệp, nhiều người đi đường góp tiền lại giúp cậu bé. Vài ngày sau, chúng tôi đi ngang khúc đường này, lại thấy cậu bé hôm nọ khóc lóc thảm thiết. Điệp khúc bị cướp vé số lại tái diễn.

Không chỉ cậu bé bán vé số nọ, nhiều kẻ lừa đảo thường dùng nước mắt làm “vũ khí” lừa gạt người đi đường. Cũng tại góc đường này, cứ năm bữa mười ngày, chúng tôi lại bắt gặp một phụ nữ trên 30 tuổi, tay bồng đứa con nhỏ, khóc lóc kể lể bị mất tiền, bị lạc đường khi đưa con đi khám bệnh. Không biết mỗi lần người đi đường giúp đỡ được bao nhiêu nhưng chắc kiếm tiền bằng cách này quá dễ nên tôi thường xuyên gặp lại bà ta.

Sinh viên lỡ đường…

Anh bạn tôi nhà ở trong căn hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu (Q3) kể lại câu chuyện bị lừa khiến anh tức anh ách. Một buổi trưa, đang ngồi ăn cơm, Hùng thấy một cậu thanh niên khoác chiếc ba lô đã sờn vải lấp ló ngoài cửa không dám bước vào nhà.

Hùng bước ra, cậu thanh niên lí nhí: “Em mới lên thành phố nhập học chẳng may bị bọn gian móc túi, anh thương, giúp em ít tiền gọi điện về nhà cho bố mẹ em gởi tiền vào. Mong anh thương…!”. Thấy cậu ta chỉ xin tiền để gọi điện thoại nên Hùng cũng thấy tội, móc bóp đưa cho cậu thanh niên 20.000 đồng. Bẵng đi một tuần, cũng tại con hẻm nhà Hùng, cậu thanh niên và chiếc ba lô sờn vải lại xuất hiện. Đang giở lại trò cũ, thấy Hùng, hắn ta chuồn vội.

Ngoài kiểu lừa trên còn các hình thức khác như xe hết xăng, xe bị lủng bánh, vô tình để quên bóp ở nhà… với số tiền xin chỉ 5.000 - 10.000 đồng nên rất nhiều người bị mắc bẫy.

Khuyến mãi… cũng lừa

Trong lúc viết bài này, tôi nhận được điện thoại của một nạn nhân bị lừa là công nhân khu công nghiệp Bình Đường 3. Nạn nhân cho biết, như bị bỏ bùa mê, bao nhiêu tiền bạc, tài sản có giá trị cũng móc ra đưa cho những kẻ bán hàng khuyến mãi mà không có một tờ giấy lộn làm chứng. Anh vừa bị 2 ả bán hàng khuyến mãi lừa lấy mất số tiền lương mới lãnh và một chiếc điện thoại di động trị giá 2 triệu đồng chỉ vì thương đứa em gái.

Mới đây, Công an quận Bình Thạnh vừa bắt được 2 ả bán hàng khuyến mãi với cách thức mua một chai sữa rửa mặt Kaili (trị giá 400.000 đồng), bên trong có thẻ cào với giải thưởng lớn nhất Việt Nam là 1 chiếc máy ảnh KTS giá… 1,6 triệu đồng.

Ngoài ra còn có chiêu “Nhân đôi giá trị giải thưởng”, nếu số tiền thế chấp càng nhiều thì giá trị giải thưởng càng lớn. Nạn nhân N. ở phường 12, quận Bình Thạnh dường như chỉ còn biết làm theo những lời chỉ dẫn của 2 ả lừa đảo mà không có một sự phản kháng nào.

Dây chuyền đeo trên cổ của N., hai người muốn tháo thì tháo, tiền trong túi N., hai người cứ việc móc ra bỏ vào túi mình. Rồi họ tự ý tháo sim ĐTDĐ ra trả cho khổ chủ và bỏ điện thoại vào giỏ… mình. Laptop thì rút dây bỏ vào túi xách. Ngay cả mã số của thẻ ATM, N. cũng đọc ra cho 2 ả ghi lại, rất may, trong cơn mê muội, N. còn cố giằng kéo giữ lại được chiếc xe gắn máy.

Tất cả đều diễn ra chóng vánh làm các nạn nhân không còn biết mình đang làm gì. Chị H., tạm trú trên đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, cũng là nạn nhân của 2 ả lừa đảo, kể lại: “Chúng thật tự nhiên! Hai ả cứ nói liên hồi làm đầu óc tôi choáng váng và những lời đề nghị của 2 ả tôi đều răm rắp làm theo! Đến khi vòng vàng bị lột sạch, chúng bỏ đi tôi mới hoàn hồn lại thì đã quá muộn!”.

Với chiêu thức cũ, 2 ả đã lột của chị H. hơn 7 chỉ vàng, một chiếc điện thoại di động. Nhưng không may cho 2 ả, chính chị H. là người phát hiện ra chúng khi chúng mới bước chân ra khỏi nhà của chị N. và nhờ quần chúng tóm gọn.

Có quá nhiều hình thức lừa đảo mà thủ đoạn rất thông thường, chỉ cần đánh trúng tâm lý thương người của dân thành phố. Nhiều người ngỡ ngàng khi bị lừa nhưng vẫn chép miệng cho qua. Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu kiểu lừa như thế nhưng nhiều lúc vẫn bị “mắc lỡm” vì thật giả không biết đâu mà lường. Hơn nữa, vì số tiền bị lừa không đáng là bao nên chẳng ai muốn làm to chuyện. Bọn lừa đảo nhờ đó mà… sống khỏe. Nếu lộ nơi này, chuyển nơi khác làm ăn!

MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục