Cảnh mới, kịch cũ

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon cho biết LHQ sẽ khởi động một cuộc điều tra xem liệu vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria hay không như cáo buộc qua lại giữa lực lượng đối lập và Chính phủ Syria. Cuộc điều tra diễn ra theo sau yêu cầu bằng văn bản của Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Nhiệm vụ trước mắt của LHQ sẽ là điều tra một cuộc tấn công gần thành phố Aleppo ngày 19-3 làm 25 người chết và hơn 110 người bị thương. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thăm Israel nói trên tờ Washington Post rằng muốn LHQ điều tra cả việc phe đối lập cáo buộc Chính phủ Syria.

Lần này có vẻ như LHQ không muốn bị qua mặt như hồi Mỹ tấn công Iraq cũng với cáo buộc Iraq sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đề tài vũ khí hóa học cũng từng xuất hiện trước cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq cách đây 10 năm với hàng loạt cáo buộc của phương Tây cho rằng chính phủ của Tổng thống Iraq lúc bấy giờ là Saddam Hussein sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt. Riêng về vấn đề vũ khí hóa học, truyền thông phương Tây cho rằng ông Saddam Hussein sử dụng vũ khí hóa học chống người Kurd những năm 1980. Sau khi Mỹ đem quân xâm lược Iraq không hề thấy vết tích nào của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và Tổng thống Mỹ G.W Bush và cả Thủ tướng Anh Tony Blair lúc bấy giờ mới bị công luận phê phán đã dựng lên câu chuyện kho vũ khí hủy diệt của Iraq. 

Đối với phe nổi dậy Syria, kịch bản vũ khí hóa học của Iraq dường như sẽ phù hợp để áp dụng ở Syria và giúp phương Tây có cớ tấn công lật đổ ổng Assad. Đối với phương Tây, hơn ai hết, Pháp, Anh và Mỹ rất muốn có một kết luận điều tra cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để tạo tiền đề cho một cuộc can thiệp quân sự. Đó là một kịch bản đẹp. Ngược lại, nếu cuộc điều tra LHQ cho thấy rằng quân đối lập sử dụng vũ khí hóa học thì phương Tây cũng sẽ lập luận rằng đã đến lúc Tổng thống Syria phải ra đi vì ông không còn khả năng kiểm soát kho vũ khí hóa học. Đó là cái cớ để can thiệp quân sự nhằm bảo đảm an toàn kho vũ khí hóa học của Syria. Theo thông tin của phương Tây, Syria sở hữu kho dự trữ vũ khí hóa học lớn thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nga, bao gồm cả kho khí độc chết người sarin và VX.

Trong lúc này, truyền hình CNN ngày 22-3 dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho rằng có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy Chính phủ Syria không sử dụng vũ khí hóa học. Theo quan chức Mỹ giấu tên, qua phân tích một đoạn băng ghi hình tại một bệnh viện chữa trị các nạn nhân cuộc tấn công ở Allepo nói trên, không thấy người bị thương có dấu hiệu bị nhiễm độc hóa chất hay được điều trị theo cách khử độc cơ thể. Thay vào đó, người bị thương chỉ bị tổn thương da do bị nhiễm chất chlorine, chất không thể coi là vũ khí hóa học như các hiệp ước quốc tế quy định.

Kịch bản có thể sẽ giống Iraq, nhưng tình huống Syria bây giờ khác Iraq ở chỗ lực lượng đối lập mà Mỹ và các đồng minh phương Tây ủng hộ có những thành phần Hồi giáo cực đoan, khủng bố. Cái giá mà phương Tây phải trả cho việc lật đổ ông Assad và đưa quân nổi dậy lên cầm quyền dường như không lường trước được nếu họ thật sự kiểm soát vũ khí hóa học. Còn nếu như vũ khí hóa học là câu chuyện bịa đặt thì người trả giá sẽ là nhân dân Syria.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục