Cảnh sát môi trường phải “nhờ xử phạt” hộ!

Đây là một thực tế đang cản trở hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường (C36). Ông Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục C36, Bộ Công an cho biết, do Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính chưa có quy định lực lượng cảnh sát môi trường được xử phạt nên C36 vẫn đang phải “nhờ” lực lượng khác (chẳng hạn thanh tra môi trường)… xử phạt hộ (!), mức tối đa cũng chỉ lên đến 20 triệu đồng/vụ, nên vừa không kịp thời, vừa không đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Điển hình là mặc dù Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có văn bản chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, song từ đầu năm đến nay, hàng chục ngàn tấn phế liệu không phù hợp tiêu chuẩn môi trường vẫn được nhập khẩu vào nước ta. Điều đáng nói là các lô hàng trên đều có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan môi trường địa phương; ngành hải quan cũng tham gia kiểm hóa, nhưng chúng đều được thông quan, thậm chí có cả chứng nhận “đủ tiêu chuẩn nhập khẩu” của Sở TN-MT một số địa phương!

Theo Cục Bảo vệ môi trường, một nguyên nhân quan trọng khiến hiện tượng này đang gia tăng đáng lo ngại là giá nguyên liệu liên tục tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu phế thải hoặc tái chế với giá thấp hơn hàng chính phẩm. Chẳng hạn, hạt nhựa nguyên chất nhập khẩu có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, trong khi nhựa “tái chế” chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Một container (20 tấn) ắc quy chì phế thải nhập trót lọt vào Việt Nam cũng đem lại cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công an, từ năm 2003 đến 2006, các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia chuyển khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất 3.562 container phế thải vào Việt Nam, trong đó có 2.278 container với gần 40.000 tấn ắc quy chì phế thải. Trong khi đó, việc tháo gỡ ắc quy phế thải lấy bản cực để tái chế hoặc tái xuất sẽ thải ra một lượng axít không nhỏ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người đân.

Rõ ràng, những công cụ pháp lý trong lĩnh vực này cần được bổ sung và “mài sắc” để tăng cường tính răn đe. Ngoài một bất cập như đã nêu ở đầu bài viết, theo quy định trong Bộ Luật Hình sự hiện nay, vi phạm về bảo vệ môi trường chỉ bị xử lý hình sự khi cá nhân, cơ sở đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, để xác định “hậu quả nghiêm trọng” lại không hề đơn giản… 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục