Cạnh tranh ở Bắc cực

Những năm qua, các quốc gia đã tranh giành ráo riết quyền kiểm soát khu vực Bắc cực, tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để khi băng tan có thể khai thác phần lớn trữ lượng dầu khí còn sót lại của thế giới, cộng với các mỏ khoáng sản khổng lồ như kẽm, sắt và kim loại hiếm. 

Ngày 6-5, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Mỹ, Nga và các quốc gia khác giáp Bắc cực gặp nhau ở Phần Lan để thảo luận về các chính sách quản lý khu vực Bắc cực giữa lúc căng thẳng gia tăng về cách đối phó với sự nóng lên toàn cầu và tình trạng khai thác tài nguyên ở khu vực giàu có về khoáng sản này.

Những năm qua, các quốc gia đã tranh giành ráo riết quyền kiểm soát khu vực Bắc cực, tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để khi băng tan có thể khai thác phần lớn trữ lượng dầu khí còn sót lại của thế giới, cộng với các mỏ khoáng sản khổng lồ như kẽm, sắt và kim loại hiếm.

Ngoài ra, các tuyến vận chuyển ngang Bắc cực nhằm tiết kiệm thời gian cũng được các nước khai thác. Hiện Washington tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Bắc cực. Trong bài phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bắc cực ở Rovaniemi, Phần Lan, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phủ nhận vai trò của Trung Quốc trong việc định hình chính sách Bắc cực.

Trung Quốc đã đưa các tàu phá băng tới Bắc cực và đề xuất xây trạm vệ tinh mặt đất ở Greenland. Nhưng Lầu Năm Góc cảnh báo về ý định của Bắc Kinh với những dự án được cho là dân sự nhưng có thể hỗ trợ sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Bắc Băng Dương, bao gồm việc triển khai các tàu ngầm đến khu vực này như là một biện pháp ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân.

Tham vọng của Bắc Kinh ở Bắc cực chính thức được đặt ra trong sách trắng có tiêu đề “Chính sách Bắc cực của Trung Quốc”, được phát hành vào tháng 1-2018, tuyên bố rằng Trung Quốc là nước gần Bắc cực và có thể tham gia vào việc cai quản vùng này. Ngoài ra, Bắc Kinh đã công khai nói về mong muốn tạo ra một tuyến giao thương qua Bắc cực, được gọi là Tuyến Biển Bắc, một phần của chính sách Vành đai và Con đường.

Hội đồng Bắc cực bao gồm Mỹ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch và Iceland. Trung Quốc là quan sát viên tại Hội đồng từ năm 2013. Nga đã mở lại các căn cứ quân sự gần Bắc cực vốn đóng cửa sau chiến tranh lạnh và hiện đại hóa Hạm đội phương Bắc hùng mạnh.

Đáp lại, Mỹ đã tái lập hạm đội có trách nhiệm giám sát Bắc cực. Hội đồng Bắc cực hiện mâu thuẫn nhau về nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ đã từ chối ký vào một tuyên bố chung về biến đổi khí hậu. Đại sứ Phần Lan tại Bắc cực Aleksi Harkonen nói, chỉ riêng vấn đề biến đổi khí hậu ở Bắc cực cũng đã có “nhiều tông màu khác nhau” giữa các quốc gia.

Trong khi đó, vấn đề nhiệt độ không khí bề mặt ở Bắc cực đang nóng lên gấp đôi so với phần còn lại của địa cầu lại ít được chú ý hơn là chuyện tranh giành ảnh hưởng. Theo một số nhà nghiên cứu, đại dương ở Bắc cực có thể không có băng trong những tháng mùa hè trong vòng 25 năm tới. Điều đó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thời tiết thế giới cũng như động vật hoang dã và dân cư bản địa ở vùng Bắc cực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên bày tỏ sự hoài nghi về việc tình trạng nóng lên toàn cầu là kết quả hoạt động của con người và đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, thỏa thuận nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống mức thấp hơn 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2100.

Tin cùng chuyên mục