Điều này phụ thuộc phần lớn vào hành động và trách nhiệm của cộng đồng. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ như khi xách giỏ đi chợ, người tiêu dùng điều chỉnh hành vi mua sắm của mình từ chỗ lựa chọn sản phẩm một cách vô định sang chọn sử dụng những sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đã có thể tạo nên những thay đổi lớn cho chính môi trường sống của mình. Vậy tại sao sự thay đổi nhỏ như vậy lại có thể tạo nên những tác động rất lớn đến chất lượng môi trường sống?
Thực tế đã chứng minh, cộng đồng có quyền và sức mạnh rất lớn trong việc buộc các DN phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Quyền này còn lớn hơn bất kỳ quy định nào của pháp luật về môi trường. Qua một tuần kể từ khi UBND TPHCM chính thức phát động chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh, đã có gần 1 triệu người dân và tình nguyện viên tham gia hưởng ứng. Thống kê tại hệ thống Co.opMart cả nước cho thấy tốc độ tiêu thụ sản phẩm của các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tăng rất nhanh. Khách hàng siêu thị nói riêng và cộng đồng nói chung đã bắt đầu quan tâm và ủng hộ sử dụng hàng hóa của các DN xanh.
Hiệu ứng xã hội này đã và đang lan tỏa rất nhanh, rất sâu trong cộng đồng. Và với đà phát triển này, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, phong trào tiêu dùng sản phẩm xanh sẽ trở thành xu thế tất yếu trong xã hội. Không dừng lại đó, phong trào sống xanh đã và đang trở thành phong cách sống trong tương lai của giới trẻ cả nước. Họ không dừng lại bằng việc kêu gọi mọi người hành động chung chung để bảo vệ môi trường mà đang làm tất cả bằng những hành động rất thiết thực. Cụ thể như đi xe đạp kêu gọi cộng đồng cùng giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính; thực hiện hành vi tiêu dùng sản phẩm xanh thay sản phẩm của các DN chưa cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; tham gia giải tỏa các điểm nóng ô nhiễm; vận động người dân sống xanh ngay tại nhà mình bằng cách thực hiện phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi nylon, tiết kiệm điện…
Hơn 30 năm tập trung phát triển kinh tế, đến thời điểm này, môi trường không thể bị hy sinh thêm vì bất kỳ mục đích kinh tế nào. Chính vì thế, từ năm 2008 đến nay, hàng loạt quy định, biện pháp xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường được ban hành. Nhiều lực lượng thanh tra, kiểm tra môi trường đã được thành lập nhằm thực thi hiệu quả hơn Luật Bảo vệ môi trường trong cuộc sống. Hàng ngàn DN đen đã bị phơi bày ra ánh sáng và không ít trong số đó đã phải buộc ngưng hoạt động vì gây ô nhiễm, gây hại cho cuộc sống cộng đồng.
Cộng với những biện pháp siết chặt về luật thì sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng, đặc biệt thông qua 2 lần phát động chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh, sản phẩm của các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường cho thấy DN đen sẽ khó có đất sống trong tương lai gần. Sự cáo chung của DN đen là hệ quả tất yếu đối với những đơn vị nào vẫn còn ấp ủ tư tưởng tăng lợi nhuận bằng mọi giá, trong đó kể cả việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đã đến lúc, các DN sẽ phải tự nhìn nhận lại hoạt động sản xuất của mình theo hướng xanh hơn, sạch hơn nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.
MINH XUÂN