Cao điểm trồng hoa tết

Cao điểm trồng hoa tết

Những ngày này, nhiều hộ trồng hoa kiểng ở Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, TP Cần Thơ… đang tất bật chăm sóc các loại hoa kiểng để phục vụ thị trường Tết Bính Thân 2016. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít mưa trái mùa nên nhiều người kỳ vọng trúng hoa kiểng…

Người dân huyện Chợ Lách (Bến Tre) chăm sóc hoa bán dịp Tết

O bế hoa kiểng

Dọc các xã Tân Khánh Đông, phường Tân Quy Đông, Tân Quy Tây (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), đến đâu cũng thấy người dân o bế hoa kiểng chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ phường Tân Quy Đông cho biết: “Gia đình tôi có 4 công đất dành để trồng hoa bán tết. Năm ngoái, tôi trồng thử nghiệm hoa ly rất thành công nên năm nay mở rộng số lượng hoa ly lên khoảng 10.000 chậu; đồng thời trồng thêm hoa cát tường, dạ yến thảo, hoa dừa… Từ nay đến tết là “cao điểm” nên ngày nào cũng bám riết ở vườn hoa”. Chị Trần Thị Linh, ngụ xã Tân Khánh Đông, bộc bạch: “Dân xứ này trồng hoa quanh năm nhưng vụ tết là mùa sản xuất chủ lực. Để tránh bị đụng hàng, dội chợ, rớt giá… năm nay tôi trồng nhiều loại như cúc mâm xôi, cúc Tiger, hồng, vạn thọ… với số lượng khoảng 6.000 chậu. Chỉ cần giá trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/chậu là người trồng hoa sống được”.

Tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), không khí sản xuất hoa kiểng tết cũng sôi động. Ông Ngô Thành Tạ, ở ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tiết lộ: “Hơn 1.000 chậu cúc mâm xôi của tôi đã xuống giống được hơn 3 tháng và phát triển rất tốt. Năm nay không có mưa trái mùa nên ít sâu bệnh gây hại, từ đó giảm mạnh chi phí phân, thuốc. Nếu thời tiết từ nay đến tết tiếp tục thuận lợi, hy vọng cúc mâm xôi sẽ trúng mùa”. Bà Bùi Thị Bé Ba, cùng ngụ xã Long Thới, tính toán: “Bình quân giá thành cúc mâm xôi khoảng 15.000 - 20.000 đồng/chậu, nếu hoa nở tốt và đúng dịp tết có thể bán giá gấp đôi không khó. Tuy nhiên, nghề trồng hoa tết luôn phụ thuộc vào thời tiết và nhu cầu thị trường nên trước mắt chỉ lo chăm sóc tốt, chờ khi bán xong mới biết lời lỗ ra sao”.

Sản xuất theo nhu cầu

Ông Lê Văn Đơn, Phó phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết toàn huyện có khoảng 250ha trồng hoa kiểng các loại, số lượng hơn 10 triệu sản phẩm mỗi năm; trong đó 60% dành phục vụ thị trường tết. Ngoài hoa kiểng thông thường, Chợ Lách còn được nhiều khách hàng biết tới với loại kiểng thú hình 12 con giáp rất độc đáo, hiện nhiều hộ đang tập trung sản xuất kiểng thú hình “con khỉ” để cung ứng dịp Tết Bính Thân. “Vài năm gần đây, người trồng hoa tết có xu hướng giảm sản xuất những loại cây truyền thống, cây cổ thụ, cây to… bởi chi phí tốn kém nhưng sức mua chậm. Phần lớn mọi người chuyển sang trồng các loại mai vàng loại vừa và nhỏ; kiểng tắc vô chậu hoặc các loại hoa đẹp, lạ, hoa treo giàn… Những loại này có lợi thế đa dạng, đẹp, giá cả vừa túi tiền người dân nên rất dễ bán trong dịp tết…”, ông Đơn nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua tỉnh đầu tư khá mạnh nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc, như xây dựng đường hoa Sa Nhiên, thành lập Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Lan Anh để nghiên cứu các giống hoa tốt, đáp ứng theo nhu cầu thị trường; tổ chức các hội thảo, tập huấn để phát triển nghề trồng hoa kiểng… Đặc biệt, phối hợp với các tổ chức, chuyên gia của Hà Lan xây dựng Sa Đéc thành thành phố hoa trong tương lai…

NGUYỄN THANH

Tin cùng chuyên mục