Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2015
6 giáo viên mầm non được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đều là những người đã có hơn 10 năm công tác trong nghề dạy học. Có người sắp về hưu, có người đang ở đỉnh cao của sự đam mê, sung sức cống hiến, nhưng tất cả đều giống nhau ở lòng yêu trẻ, gắn bó với nghề bằng cái “tâm”, sự bền bỉ cống hiến vì sự trưởng thành của từng lứa học sinh thân yêu…
Đến lớp bằng tình yêu của người mẹ
Hơn 18 năm đứng lớp, cô giáo Trần Thị Ngọc Châu, giáo viên Trường Mầm non 27 (quận Bình Thạnh TPHCM) cho biết, khoảng cách từ nhà đến trường dạy học hơn 10km, nhưng chưa ngày nào cô xin nghỉ dạy. “Chỉ cần nghĩ đến việc học sinh của mình buồn khi không thấy cô đến lớp thì dù bận việc đến mấy, sức khỏe có trục trặc mình vẫn cố gắng đến lớp vui đùa cùng các con. Chỉ cần nghe các bé gọi “mẹ Châu ơi, mẹ Châu à!” là bao mỏi mệt đều tan biến”, nụ cười ánh lên trên đôi mắt người giáo viên. Thoạt nhìn dáng vẻ bên ngoài, không ai biết tuổi thật của cô năm nay đã ngoài 47. Tuy nhiên, mọi hoạt động sinh hoạt, vui chơi trong lớp như nhảy aerobic, chạy trốn tìm cùng học trò bao giờ cũng có cô Châu góp mặt. Ở nhà học sinh nào có chuyện buồn cũng vô lớp kể với “mẹ Châu”, đến cái răng sữa lung lay các em cũng chờ vô lớp cho “mẹ Châu nhổ”. Có nhiều hôm học sinh cứ nằng nặc đòi “đến nhà mẹ Châu ngủ” khiến cô phải đánh bạo xin phép phụ huynh cho các em ăn, ngủ ở nhà mình một đêm, qua hôm sau sẽ chở đến lớp.
Cô Trần Thị Ngọc Châu
Chính nhờ tình yêu thương và sự gần gũi đó, cô đã được Liên đoàn Lao động TPHCM trao tặng chữ “Tâm” và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 2012. Song hơn hết mọi phần thưởng chính là những lời miêu tả đầy tự hào, kính trọng công việc của mẹ từ đứa con gái nhỏ, năm nay đang học lớp 5. Chính sự yêu thương, thấu hiểu của con đã giúp cô có thêm động lực, toàn tâm toàn ý cống hiến với nghề.
Cũng giống cô Châu, cô giáo trẻ Dương Thị Giác Vũ, hiện công tác tại Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) luôn tự hào vì mình có đến… 56 đứa con. Ngoài một bé nhỏ ở nhà vừa tròn 4 tuổi, cô còn có đến 55 học sinh ở lớp Lá 2 vẫn hàng ngày quấn quýt, gọi cô bằng “mẹ”.
Cô Vũ tâm sự, trước đây từng là cán bộ Đoàn năng nổ từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, năm 2010 được vinh hạnh đứng vào hàng ngũ Đảng, hiện vẫn giữ chức Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non Vàng Anh, luôn đi đầu trong mọi công tác đoàn, hội nhưng kể từ sau khi có con, ngoài lòng nhiệt huyết cô còn đến với học sinh bằng tình thương sâu sắc của người mẹ. Chỉ cần được nghe các con gọi điện nói nhớ cô, thương cô lắm thì vất vả đến mấy cô cũng thấy lòng mình ấm lại. Hạnh phúc đôi khi chỉ xuất phát từ những sự quay về bất chợt của những đứa con, một câu nói yêu thương hoặc một bức tranh vẽ. Năm 2014, cô được chọn là một trong những giáo viên trẻ tham dự liên hoan “Giáo viên dạy giỏi tiêu biểu cấp học mầm non toàn quốc”. Với một giáo viên trẻ, đó là phần thưởng xứng đáng cho những yêu thương, đóng góp suốt hơn 11 năm qua.
Tận tụy với nghề
Tuy tuổi đời không còn trẻ, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoàng, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Gò Vấp TPHCM) vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, có nhiều sáng tạo trong việc vận dụng các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy. Đặc biệt để giúp học sinh có thêm đồ chơi trong các hoạt động học tập và vui chơi ở lớp, cô đã vận dụng thành công các chương trình kidsmart, quả táo mầu nhiệm, happy kid… tạo ra nhiều sản phẩm đồ chơi sáng tạo cho học sinh. Nhiều bài giảng của cô đã được chọn làm tiết dạy mẫu cho các trường bạn tham quan, học hỏi, đồng thời là giáo án mẫu hướng dẫn kiến tập cho sinh viên. Từ năm 2002 đến nay, cô được công nhận là giáo viên giỏi cấp quận suốt 9 năm liền, bằng khen của UBND TPHCM năm học 2012-2013, huy hiệu TPHCM năm 2014.
Một tấm gương khác là cô giáo Đặng Thị Mỹ Linh, giáo viên Trường Mầm non 15 (quận 4). Với hơn 29 năm công tác, cô Linh đã dạy qua nhiều thế hệ học trò, trong đó có người nay đã trưởng thành, lập gia đình, sinh con rồi lại gửi con học ở chính lớp ngày xưa từng được cô nâng niu, chăm sóc. “Học trò xưng con, gọi mình bằng cô, trong khi ba (hoặc mẹ) bé cũng xưng “con”, gọi “cô” với mình. Không có gì hạnh phúc bằng tình cảm của phụ huynh và học sinh dành cho mình”.
Đến nay, dù gia đình riêng chưa có nhưng cô hài lòng với cuộc sống được mỗi ngày tới lớp, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho học trò, vui mừng theo những thành công, sự trưởng thành của các em. Mặc dù còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh của học trò, nhưng học sinh khiến cô nhớ nhất lại là người không có trong mọi bức ảnh bởi em là trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh rất đáng thương nhưng hình ảnh khuôn mặt khôi ngô cùng nụ cười lạc quan của em đã giúp cô có thêm niềm tin vào công việc cao quý mình đã chọn.
Cùng suy nghĩ này là cô giáo Nguyễn Ngọc Thiên Hương, giáo viên Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1). Được biết đến là một trong những giáo viên luôn đi đầu trong công tác dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập, cô Hương cho biết đối với trẻ bình thường, việc tập cho các em các thói quen sinh hoạt, kỹ năng tự phục vụ đã khó. Đối với trẻ khuyết tật, giáo viên càng phải có sự kiên nhẫn, bền bỉ gấp đôi. “Chỉ cần giúp các em biết cách tự thay đồ, cầm viết đúng cách dù khả năng kiểm soát con chữ còn khó cũng đủ khiến chúng tôi mừng rơi nước mắt”. Bởi vậy, yêu nghề thôi chưa đủ, giáo viên còn phải có sự chịu thương, chịu khó mới hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, không phụ tình cảm của phụ huynh, học sinh đã tin tưởng giao phó.
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Để lại ấn tượng nhiều nhất với chúng tôi là cô giáo Nguyễn Thúy Mai, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca 11 (quận Phú Nhuận). Dù tuổi đời chạm ngưỡng 54, nhưng cô vẫn là một trong những thành viên năng nổ, nhiệt tình tham gia vào mọi hoạt động văn nghệ của cơ quan. Nhìn cô Mai thoải mái cười đùa cùng học sinh, không ai biết cô từng trải qua một cú sốc khá lớn. Những tưởng sau sự ra đi của con trai vừa tròn 5 tháng tuổi vì bệnh tim bẩm sinh, người mẹ trẻ sẽ gục ngã. Nhưng cô lại lấy đó làm động lực để “sống” nhiều hơn, gắn bó với hoạt động từ thiện suốt 19 năm qua. Bằng sự hỗ trợ của gia đình và đồng nghiệp, cô đã tổ chức thành công nhiều đợt quyên góp hỗ trợ các cơ sở bảo trợ xã hội, hàng năm đều tặng quà cho trẻ em nghèo bị bệnh tim ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Khi được hỏi sau khi về hưu sẽ làm gì, cô cười hiền cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với các hoạt động từ thiện. Bởi đối với người phụ nữ đã đi qua hơn nửa cuộc đời, dù là nghề giáo hay bất kỳ công việc nào khác đã làm cô đều vì cái “tâm”, bởi khi cho đi sẽ nhận lại rất nhiều.
Cô Nguyễn Thúy Mai
Trước khi chia tay chúng tôi, cô Mai gửi lời nhắn nhủ đến các đồng nghiệp trẻ, chỉ cần có lòng yêu nghề mến trẻ thật sự, khi làm bất cứ việc gì hãy làm bằng tất cả tấm lòng, sự kiên trì, cuộc sống sẽ cho lại bạn nhiều “quả ngọt”.
|
THU TÂM