Chiều 13-9, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, ngày 14-7-2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình này. Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, sau khi thành lập một năm, Ban mới có Quy chế hoạt động và chương trình công tác năm 2021 tới tháng 7-2021 mới ban hành. Sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Chương trình.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, tới thời điểm báo cáo, còn rất nhiều phần việc chưa hoàn thành, trong đó phải kể tới các nghị định và quyết định cần ban hành nhằm xác định nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình; chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình; cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2030; cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện 10 dự án thành phần, hướng dẫn quy trình đánh giá, giám sát; quy định về quản lý, sử dụng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Theo Hội đồng Dân tộc, hoạt động phối hợp trong triển khai thực hiện Chương trình chưa thực sự hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định đầu tư Chương trình chưa được phê duyệt.
"Việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là những quyết định mang tính lịch sử. Quyết định phê duyệt đầu tư Chương trình làm chậm, làm hạn chế cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.
Giải trình về vẫn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu hai khó khăn lớn dẫn đến chậm tiến độ.
Thứ nhất, theo ông Trần Quốc Phương, đây là chương trình “không những mới mà còn có quy mô lớn nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia, độ phức tạp cao”. Thứ hai là do phải dành nhiều thời gian cho công tác phòng chống dịch, trong khi đó hồ sơ rất dày, nghiên cứu mất rất nhiều thời gian, công tác nhân sự cũng có sự thay đổi.
“Bộ KHĐT đang hoàn thiện khẩn trương các thủ tục còn lại, nếu tháng 9 này có thể phê duyệt các quyết định liên quan thì vẫn có thể triển khai phân bổ 16.000 tỷ đồng tiền vốn và đến năm 2022 vẫn phân bổ vốn bình thường”, ông Trần Quốc Phương cho biết.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự sốt ruột: "Chương trình rất cấp bách, khi Chính phủ trình và Quốc hội phê chuẩn tôi nhớ là tổ chức họp báo rất là khí thế, nhưng đến nay 14 tháng rồi hầu như chưa có chuyển động gì cả, tất cả còn nằm trên đề án”.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sớm triển khai Đề án này, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.