Như Báo SGGP đã đưa tin, việc cấp giấy phép quy hoạch trên địa bàn TPHCM đang vướng về thủ tục và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố, trong đó có các dự án phát triển nhà ở. Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn (ảnh), Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc phụ trách về thủ tục cấp giấy phép quy hoạch.
- Vận dụng linh hoạt các quy định hiện hành
° Phóng viên: Thưa ông, 3 vướng mắc chính hiện nay trong việc cấp phép quy hoạch: không rõ thế nào là khái niệm pháp nhân, chủ đầu tư (CĐT) và năng lực tài chính của CĐT?
° Ông NGUYỄN THANH TOÀN: Quan điểm của lãnh đạo thành phố là căn cứ những quy định pháp luật hiện hành để giải quyết 3 vấn đề trên. Khái niệm pháp nhân không chỉ là doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà có thể là các tổ chức chính trị xã hội có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: Hội phụ nữ, Hội nông dân… Đối với khái niệm CĐT và năng lực tài chính của CĐT thì căn cứ Nghị định 12/CP và tùy trường hợp để áp dụng phù hợp.
Nếu đó là một tổ chức chính trị xã hội, một DN nhà nước được giao vốn ngân sách để đầu tư thì quyết định giao vốn, giao đơn vị đó làm CĐT của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được coi là giấy tờ chứng minh đơn vị là CĐT và có đủ năng lực để thực hiện dự án. Nếu đó là một DN, một tổ chức xã hội sử dụng vốn tự có hoặc vốn vay ngân hàng thì phải có giấy xác nhận của ngân hàng cho vay vốn hoặc bảo lãnh cho vay để thực hiện dự án.
Ngoài ra, đối với các DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của họ cũng xem là một chứng từ chứng minh họ là CĐT (là người đại diện cho DN chịu trách nhiệm trước pháp luật - theo NĐ 12/CP).
° Nếu CĐT là cá nhân. Khi có nhu cầu, họ có được cấp giấy phép quy hoạch?
° Đây là vấn đề còn đang vướng và lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu sở báo cáo để UBND TPHCM kiến nghị với Chính phủ và xin ý kiến hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan.
Cũng phải nói thêm, không phải trường hợp nào khi lập dự án đầu tư xây dựng cũng phải xin giấy phép quy hoạch. Chỉ những khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/2000 hoặc có mà chưa rõ; những dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc chưa có thiết kế đô thị; những khu đất, khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng cần điều chỉnh ranh đất hoặc chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị trên một lô đất thì CĐT mới phải xin giấy phép quy hoạch. Vì thế, trường hợp CĐT là cá nhân trong các khu vực phải xin giấy phép quy hoạch không nhiều (chỉ trường hợp khi có yêu cầu đầu tư chuyển đổi chức năng từ nhà ở riêng lẻ sang chức năng khác). Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tham mưu cho UBND TPHCM để có kiến nghị làm rõ quy định này.
- Rà soát lại thủ tục đối với dự án nhà ở
° Về các bất cập: đối với dự án phát triển nhà ở, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ cấp giấy phép quy hoạch khi nhà đầu tư được cấp văn bản công nhận là CĐT nhưng muốn có văn bản công nhận là CĐT thì phải được sở cấp giấy phép quy hoạch, thủ tục lòng vòng này đã được xử lý ra sao, thưa ông?
° Về việc này, UBND TPHCM đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ quy trình thủ tục dự án nhà ở theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng để khắc phục những bất cập. Riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chủ động đề xuất 3 giải pháp xử lý.
Thứ nhất, nhà đầu tư liên hệ Sở Quy hoạch - Kiến trúc trước để lấy thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, giải pháp này có cái khó: Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ có thể cung cấp thông tin theo đồ án quy hoạch 1/2000. Với đồ án quy hoạch này, hầu hết các trường hợp nhà đầu tư không đủ cơ sở để lập hồ sơ dự án đầu tư nhà ở do thiếu các thông tin chi tiết.
Thứ hai, Sở Xây dựng làm đầu mối, sau khi tiếp nhận hồ sơ của nhà đầu tư sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc lấy thông tin quy hoạch để xem xét việc công nhận là CĐT cho nhà đầu tư (đối với nhà đầu tư đã có pháp lý quyền sử dụng đất). Khó khăn của giải pháp này là rất mất thời gian. Nhất là đối với những khu vực quan trọng của thành phố như khu trung tâm, khu vực chưa có quy hoạch 1/2000 (khá nhiều trường hợp phải có ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện hoặc cần phải báo cáo UBND TPHCM)…
Thứ ba, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp giấy phép quy hoạch nhưng ghi chú thêm “giấy phép chỉ có giá trị thực hiện khi nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc xác nhận là CĐT theo quy định”. Trong 3 giải pháp này, hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang linh hoạt vận dụng giải pháp thứ ba nhằm giải quyết nhanh thủ tục, tháo gỡ được các vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư và hiện đã tiếp nhận được hơn 100 hồ sơ xin giấy phép quy hoạch, trong đó đã cấp khoảng 60 giấy phép quy hoạch cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên đây là giải pháp tạm thời trong khi chờ thành phố rà soát lại toàn bộ quy trình cấp phép xây dựng và tìm giải pháp tốt nhất cho công tác đầu tư xây dựng của thành phố.
° Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN KHOA