Cấp thiết di dời ICD Trường Thọ và đầu tư phát triển ICD mới tại Long Bình

Trong top 100 cảng container có khối lượng hàng container lớn nhất thế giới năm 2020, xếp hạng bởi Lloyd’s List, thì cảng biển TPHCM  xếp vị trí 25. 
Một góc cụm cảng IDC Trường Thọ
Một góc cụm cảng IDC Trường Thọ

Hiện nay, nhóm cảng biển Đông Nam bộ (gồm TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) đảm trách thông qua khoảng 43% tổng khối lượng hàng và chiếm khoảng 72% tổng khối lượng hàng container thông qua cảng biển cả nước.

Năm 2020, hệ thống cảng biển TPHCM thông qua khoảng 163 triệu tấn hàng hóa, chiếm 23,5% tổng khối lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam, và cảng biển TPHCM vẫn đứng đầu cả nước về khối lượng hàng hóa thông qua. 

Trong vùng Đông Nam bộ hiện có khoảng 12 cảng cạn, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực Trường Thọ (TPHCM, 5 ICD), Bình Dương và Đồng Nai. Phương thức vận tải hàng hóa tới các ICD trong vùng chủ yếu là bằng đường bộ (chiếm 65%-70%) và đường thủy nội địa chiếm khoảng 30%-35%. 

Trong thời gian qua, các ICD này đã có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ hệ thống cảng biển Đông Nam bộ (hay còn gọi là Nhóm cảng biển số 5). Ước tính có khoảng 30%-40% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đã làm thủ tục hải quan tại các cảng cạn trong vùng.

Khu cảng cạn (ICD) Trường Thọ bao gồm các ICD Transimex, ICD Phước Long, ICD Phúc Long, ICD Sotrans và ICD Tanamexco có tổng diện tích 63,12ha; sản lượng thông qua năm 2016 đạt 1,81 triệu Teu, tương đương khoảng 24% tổng sản lượng container thông qua cảng biển TPHCM và Vũng Tàu.  Với vị trí giao thông đường bộ thuận lợi (gần khu công nghiệp Linh Trung và các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương và Đồng Nai), trong thời gian qua khu cảng cạn Trường Thọ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động cho các cảng biển TPHCM và Vũng Tàu.

Tuy nhiên, do quá trình phát triển kinh tế của vùng, lượng hàng hóa container thông qua hệ thống cảng biển nhóm 5 tăng nhanh kéo theo sự tăng cao sản lượng hàng container thông qua Khu cảng cạn (ICD) Trường Thọ trong thời gian qua. Trong khi cảng Trường Thọ nằm trong khu dân cư hiện hữu, hoạt động của cảng tại địa điểm này không đảm bảo an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng. 

Theo các báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Giao thông vận tải, sự hoạt động của cảng Trường Thọ làm cho tình hình giao thông ra vào các khu vực phường Trường Thọ ngày càng phức tạp, không đảm bảo an toàn về giao thông đường thủy. Đặc biệt để lại nhiều bất cập như tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông tại nút giao thông đường số 1 đoạn từ Ngã ba 622 đến Ngã tư RMK và tại một số điểm trên xa lộ Hà Nội, dẫn đến nguy cơ rất cao về an toàn giao thông trên trục cửa ngõ phía Đông thành phố. Sự phát triển của cảng Trường Thọ cũng ảnh hưởng đến quy hoạch chỉnh trang đô thị và quy hoạch phát triển thành phố.

Đề án phát triển ngành logistics của TPHCM đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 4432/QĐ-UBND ngày 2/12/2020 đã  đặt ra mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP; nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10%-15%.

Đề án cũng xác định hình thành 7 trung tâm logistics, trong đó đầu tiên là Trung tâm logistics Long Bình với diện tích khoảng 54ha, với đầy đủ các điều kiện về đất đai, các thủ tục pháp lý về quy hoạch,.. có thể triển khai đầu tư sớm.

Cảng cạn Long Bình đã được quy hoạch trong Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt phê duyệt tại Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT ngày 11/6/2018.

Cảng cạn Long Bình nằm ven sông Đồng Nai, thuộc địa bàn Phường Long Bình, Quận 9, TPHCM. Đây là vị trí được đánh giá là phù hợp nhất trong vai trò thay thế vị trí Khu cảng cạn (ICD) Trường Thọ bởi các yếu tố như sau: Vị trí khu cảng cạn (ICD) Trường Thọ và Cảng Long Bình khá gần nhau nên việc di dời sẽ ít ảnh hưởng đến việc khai thác của các doanh nghiệp (về vấn đề khách hàng, cự ly vận chuyển, v.v.). Vị trí cụm cảng Long Bình tiếp giáp tỉnh Đồng Nai và Bình Dương nên đây là vị trí trung tâm giúp rút ngắn thời gian và cự ly vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ các nhà máy, khu công nghiệp đến ICD Long Bình, đồng thời giảm áp lực gây ùn tắc giao thông đường bộ. Tuyến luồng hàng hải sông Đồng Nai đáp ứng được cỡ tàu đến 5.000 DWT. Cảng Long Bình tại Phường Long Bình hiện hữu chỉ phục vụ việc vận chuyển than và gỗ nên vẫn chưa được khai thác hết công suất. Phía hạ lưu của cụm cảng còn nhiều khu vực đất trống thuận lợi cho việc phát triển kho, bãi phục vụ cho hoạt động dịch vụ của các ICD. Đoạn tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Tuyến đường vành đai 3 TPHCM hiện đang được Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư. Cùng với tuyến đường xa lộ Hà Nội nằm phía ngoài, hệ thống giao thông đường bộ kết nối với cảng Long Bình sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Việc sớm triển khai đầu tư cảng cạn Long Bình có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để giải quyết bài toán chỉnh trang đô thị TPHCM, đảm bảo an toàn giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố, hiện thực hóa các quy hoạch của chính phủ, đề án phát triển ngành logistics của TPHCM đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 mà còn đảm bảo giữ được vai trò của TPHCM như là một trung tâm logistics của vùng. Do đó, trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM mà TPHCM đang thực hiện nên đưa việc thực hiện quy hoạch cảng cạn là một trong những nhiệm vụ cần triển khai ngay.

ICD là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: “Inland Container Depot” - thường được gọi là cảng cạn hay một số người gọi nôm na là điểm thông quan nội địa. Theo Nghị định số 38/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn thì ICD được định nghĩa là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục