(SGGP).– Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí đã phát biểu chỉ đạo như vậy tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự năm 2013 diễn ra vào hôm qua 1-2.
Theo đó, sự tham mưu, tư vấn, “gác cửa” văn bản pháp luật của Sở Tư pháp TP và các phòng tư pháp quận - huyện đóng vai trò quan trọng để công tác điều hành, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đạt hiệu quả cao. Ngược lại, cấp ủy và chính quyền cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ tương thích đối với hoạt động của ngành tư pháp.
Về công tác tổ chức xây dựng ngành, Phó Chủ tịch Lê Minh Trí nhấn mạnh: “Tâm, trách nhiệm thể hiện qua tác phong, kết quả công việc thể hiện năng lực chuyên môn của cán bộ. Do vậy ngành tư pháp thành phố cần có giải pháp thu hút nguồn nhân lực để đầu vào có chất lượng, tổ chức các kỳ thi để đánh giá cán bộ, đồng thời nghiêm khắc xử lý sai phạm xảy ra”.
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, năm 2012 toàn thành phố thực hiện 14.512 vụ việc (tăng 2.940 vụ việc so với cùng kỳ năm 2011), phạm vi hoạt động ngày càng được mở rộng theo hướng tăng cường hoạt động trợ giúp lưu động về các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa của thành phố, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Việc triển khai thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” ngày càng lan tỏa, đến nay trên địa bàn TPHCM có 646 cơ quan, đơn vị thực hiện mô hình này thường xuyên mỗi tháng một lần bằng nhiều hình thức đa dạng.
Đối với công tác thi hành án dân sự, dù TPHCM là địa phương có số lượng việc và giá trị phải thi hành án lớn nhất cả nước nhưng toàn ngành đã nỗ lực tổ chức thi hành xong 44.992 việc/51.576 việc có điều kiện thi hành (đạt tỷ lệ 87,2%), thi hành xong gần 3.500 tỷ đồng/4.600 tỷ đồng có điều kiện thi hành (đạt tỷ lệ 76%).
A.Chân