Cát tặc vẫn lộng hành

Bất chấp lệnh cấm, các đối tượng vẫn ngang nhiên neo đậu, hút và mua bán cát sỏi trái phép ở mọi vị trí trên sông ở miền Trung. Đặc biệt, khi hệ thống thủy điện ở thượng nguồn các con sông lớn tại khu vực này chặn dòng, lượng cát dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu xây dựng ngày một lớn nên đội quân cát “tặc” huy động cả sà lan công suất 70 - 100m³ thay thế phương tiện hút cát thủ công là thuyền gỗ công suất nhỏ để tận thu cát sạn trái phép ngay sát khu dân cư.

Bất chấp lệnh cấm, các đối tượng vẫn ngang nhiên neo đậu, hút và mua bán cát sỏi trái phép ở mọi vị trí trên sông ở miền Trung. Đặc biệt, khi hệ thống thủy điện ở thượng nguồn các con sông lớn tại khu vực này chặn dòng, lượng cát dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu xây dựng ngày một lớn nên đội quân cát “tặc” huy động cả sà lan công suất 70 - 100m³ thay thế phương tiện hút cát thủ công là thuyền gỗ công suất nhỏ để tận thu cát sạn trái phép ngay sát khu dân cư.

Tan hoang các triền sông

Chúng tôi nhiều lần theo thuyền ngược dòng sông Ngàn Sâu và chứng kiến cảnh tấp nập đò thuyền, sà lan ngang nhiên cắm “vòi rồng” xuống lòng sông hút cát. Các phương tiện đua nhau hút cát gần bờ diễn ra trong thời gian dài đã làm đoạn sông này sạt lở nặng, có nơi nước sông đã tiến sát móng nhà dân. Ông Đặng Giang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh phân trần, từ năm 2016 đến nay, tổ công tác liên ngành của huyện đã bắt và xử phạt vi phạm hành chính 72 trường hợp khai thác cát trái phép lòng sông với số tiền 417 triệu đồng, tịch thu 13 máy nổ hút cát. Riêng khu vực sông Ngàn Sâu thuộc địa bàn thôn Làng Hạ và thôn Phúc Xá, xã Đức Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính 6 trường hợp sà lan hút cát trái phép với số tiền 50 triệu đồng, tịch thu 4 máy nổ. “Tổ liên ngành thường trực 24/24 giờ, tuần tra, kiểm tra, bắt giữ và xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Ngàn Sâu nói riêng và trên địa bàn huyện nói chung. Nhưng việc xử lý khai thác cát, nhất là khu vực giáp ranh giữa các xã Đức Hòa, xã Ân Phú và xã Sơn Long vẫn hết sức phức tạp và gặp nhiều khó khăn về xác định ranh giới địa giới hành chính giữa các huyện”, ông Trung nói.

Tại Thừa Thiên - Huế, mỏ cát sạn có trữ lượng lớn nhất tỉnh tập trung ở thượng nguồn sông Hương, đoạn chảy qua địa bàn thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy gần như cạn kiệt. Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường khan hiếm, đội quân hút cát ngang nhiên huy động sà lan neo đậu, hút cát và mua bán cát sạn trái phép ở mọi vị trí. Chưa hết, số người khai thác cát còn ngang nhiên sử dụng thuyền tải trọng lớn vận chuyển cát về tập kết tại khu vực đập Thảo Long để tiêu thụ làm thay đổi và thu hẹp dòng chảy. Máy tải cát từ thuyền lên bãi sát bờ sông hoạt động theo áp lực ống dẫn nước. Nước trào ra từ ống tải cát chảy từ cao xuống thấp đã cuốn theo một lượng lớn cát vừa được tải từ thuyền lên bãi xuống mặt sông, bồi lấp lòng sông, thu hẹp dòng chảy gây sạt lở phía bờ sông bên kia bãi cát. Lưu lượng dòng chảy thay đổi trái quy luật đã tạo điều kiện cho bèo, rong phát triển mạnh, làm suy giảm đáng kể đa dạng sinh học của sông Hương. Cùng với đó, rất nhiều xe tải hạng nặng men theo con đường mòn nằm dưới chân đập Thảo Long để đưa cát từ bãi cát lậu đi tiêu thụ đã uy hiếp thân đập công trình thủy lợi 150 tỷ đồng Thảo Long do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư xây dựng để ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng hạ lưu sông Hương.

Bãi tập kết cát sạn trái phép uy hiếp đập thủy lợi Thảo Long ở cuối nguồn sông Hương

Chính quyền bất lực?!

Điều đáng nói, hoạt động của bãi cát lậu này đã “tiếp tay” tiêu thụ cát cho các chủ đò, sà lan khai thác cát trái phép ở hạ lưu vùng sông Hương và hoạt động suốt một thời gian dài, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, cho biết mỗi lần nhận được tin báo của quần chúng về hoạt động khai thác cát trái phép ở hạ lưu sông Hương, đoạn qua địa bàn, xã đã tổ chức ngay lực lượng truy bắt, nhưng khi đến nơi thì cát “tặc” đã... chạy mất hút. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng đóng cửa bãi tập kết cát lậu kể trên nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ở Quảng Trị, các con sông lớn như Thạch Hãn, Bến Hải cũng đang ngày đêm bị cày nát vì nạn khai thác cát sạn. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, cho biết: “Việc ngăn chặn, truy quét ở cấp xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi lực lượng mỏng, phương tiện thô sơ, chủ yếu chèo tay, trong khi cát “tặc” sử dụng thuyền máy lớn... Trong khi đó, chế tài đưa ra chưa đủ sức răn đe, cát “tặc” không sợ. Chúng tôi kiến nghị cấp trên nên đưa ra hình thức xử phạt thật nghiêm khắc, phạt nặng các trường hợp khai thác cát trái phép trên sông…”.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua việc khai thác cát sạn bừa bãi trên sông Hương là vấn đề nóng được đưa ra chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp HĐND tỉnh, nhưng đến nay những công trường khai thác cát trái phép vẫn diễn ra công khai. Một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, việc bắt rồi xử phạt cát “tặc” thật nặng chưa phải là biện pháp tốt nhất, điều quan trọng là phải giải quyết được việc làm ổn định cho hơn 400 hộ dân lâu nay sống bằng nghề khai thác cát sạn. Trong khi, theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, công tác quản lý của một số địa phương còn buông lỏng, chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa các địa phương, các cơ quan chức năng nơi có tuyến sông giáp ranh giữa các xã, các huyện chưa chặt chẽ và thường xuyên. “Phải xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Những đối tượng vi phạm có hành vi chống đối sẽ phải bị khởi tố, đưa vào danh sách “đen” theo dõi tại các địa phương để răn đe”, ông Thọ cương quyết.

VĂN THẮNG - DƯƠNG QUANG - NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục