Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đánh vào túi tiền người dân đem về nhà để lo cho cuộc sống gia đình, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nhưng phải đóng thuế, vì phải nuôi bộ máy nhà nước, để nhà nước cung ứng các dịch vụ công cho xã hội, trong đó có mình. Chúng ta đều biết chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công còn phải được cải thiện nhiều, nhưng trách nhiệm của mọi công dân là phải đóng thuế.
Trong điều kiện Việt Nam, điều cần chỉ ra là: đại đa số nhân dân vẫn thuộc tầng lớp thu nhập thấp, trong đó có một bộ phận rất nghèo. Và thuế ảnh hưởng khác nhau đến những người có túi tiền khác nhau.
Với đại đa số người Việt Nam hiện nay, thu nhập cá nhân chủ yếu để trang trải những nhu cầu cấp thiết hàng ngày, không nhiều người có dư để tiết kiệm. Khá nhiều người có thu nhập thấp hơn chi phí cho nhu cầu tối thiểu. Nếu gia đình có hai vợ chồng và hai con nhỏ dưới 10 tuổi có thu nhập 5 USD một ngày là đã hết nghèo theo tiêu chí của Liên hiệp quốc, thì ở nhiều vùng đô thị, ở ngoại ô hay thậm chí nông thôn, một gia đình như vậy hết sức chật vật với 100.000 đồng, cho 3 bữa ăn, điện, nước, giặt giũ, trường lớp cho con. Ngoài ra còn hàng loạt chi phí thiết yếu khác. Một lần vợ con nằm viện vì đau ốm, chắc chắn gia đình ấy phải lùi về dưới ngưỡng nghèo đến vài năm sau.
Lâu nay, ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng hay Cần Thơ, thu nhập 4 triệu đồng/tháng là thuộc diện nghèo, còn nuôi con mình với mức 1,6 triệu đồng/tháng với tình hình vật giá hiện nay thì thật xót xa. Song, trong đời sống đô thị thời hội nhập quốc tế, mức sống tối thiểu đâu chỉ là bữa ăn, mà còn giao tiếp bạn bè, đồng nghiệp, thưởng thức văn hóa, du lịch, đi học thêm, cùng các tiện nghi đang trở nên tối thiểu như truyền hình, internet, máy tính cá nhân, điện thoại di động. Thiếu một đời sống như vậy, một nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước chỉ dừng lại ở ước muốn.
Các chuyên gia và nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ, nguyên nhân lạm phát có phần do thị trường thế giới, nhưng chủ yếu là ở nội địa, từ yếu kém trong quản lý các nguồn lực, thất thoát và hiệu quả kém trong chi tiêu và đầu tư từ ngân sách, sự trục lợi bất chính của các nhóm đầu cơ gắn với nạn tham nhũng, và cùng với nó là sự xa hoa, lãng phí trong tiêu dùng...
Lạm phát là “nhân tai”, nhưng hậu quả với dân nghèo giống như thiên tai, do đó cần gấp rút cứu trợ. Có nhiều cách cứu giúp mà nhà nước có thể làm thông qua thuế TNCN, ví dụ nâng mức khởi điểm thu nhập chịu thuế và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Nguyên tắc chung là trợ giúp ngay những người đang gặp khó khăn nhất bởi lạm phát, nhưng không “bình quân”, vì có một bộ phận dân cư đã nhiều năm nay không hề quan tâm đến việc họ bắt đầu đóng thuế TNCN ở mức 4 hay 8 triệu đồng và được giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng hay 160 USD. Khi lạm phát, người giàu cũng khó khăn, nhưng không bức xúc như người thu nhập thấp. Chưa kể, vẫn còn một bộ phận người giàu chưa được thu thuế đúng mức, thậm chí trốn thuế.
Cứu trợ người nghèo trong thời lạm phát, tất nhiên, không chỉ qua thuế TNCN, vì nhiều người có thu nhập dưới mức chịu thuế. Cuộc sống của bộ phận dân cư này đang rất khó khăn, nhà nước cũng cần bỏ ngân sách ra cứu giúp họ, cùng với các hoạt động từ thiện của nhân dân trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Việc miễn giảm thuế TNCN tất nhiên phải dựa trên một đề án với những biện pháp đồng bộ và phải thông qua Quốc hội. Nhưng nếu lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ có quyết tâm đủ mạnh, chắc chắn có thể làm được trong nhiệm kỳ XII.
Chuyên gia không thiếu, thủ tục luật pháp cũng không thể cản trở cơ quan lập pháp và hành pháp làm điều cần thiết để trợ giúp các cử tri chẳng những đã bầu ra mà còn đóng thuế để chi phí cho hoạt động của mình. Không nên để qua nhiệm kỳ mới, vì Quốc hội mới có nhiều việc gấp phải làm và đại biểu Quốc hội mới sẽ còn bỡ ngỡ. Thêm nữa, khi hàng chục triệu người đang cần trợ giúp, càng để lâu, hậu quả càng khó lường.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Đại biểu HĐND TPHCM