Một nhóm bạn trẻ có tên là Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long đã phát hiện ra sai sót nghiêm trọng trên bản đồ Việt Nam tại trang mạng của Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society – NGS). Tại vị trí quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bản đồ này lại để ghi chú “China”. Cùng với việc thông tin cho báo chí, nhóm 3 bạn đã gửi thư phản đối đến ban biên tập của NGS.
Từ sau phát hiện đó, vừa mới đây, một sai sót nữa về bản đồ lãnh thổ Việt Nam cũng được phát hiện trên bản đồ Google Maps của Công ty Google Inc (Mỹ). Người công bố thông tin này là ông Đỗ Viết Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Biên giới và địa giới. Diễn biến mới nhất là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót này theo bản đồ chính thức hiện hành của Việt Nam.
Hai phát hiện, một là của các công dân, một là của đại diện cơ quan Nhà nước. Nhưng cả hai đều cho thấy sự nhạy cảm rất cao với chủ quyền quốc gia, trong một bối cảnh quan hệ láng giềng còn không ít phức tạp. Tất nhiên, 2 bản đồ nêu trên đều được phát hành bởi các tổ chức tư nhân, không có giá trị trong tranh chấp pháp lý quốc tế. Nhưng những sai sót ấy sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người tham khảo bản đồ. Và bản đồ cũng đã trở thành một công cụ để một số nước tìm kiếm, tranh giành lợi ích vốn không thuộc về mình trong các bang giao quốc tế.
Điều đáng nói là thông tin của công dân đã được chính thức ghi nhận và xử lý nhanh hơn trước nhiều. Chủ quyền quốc gia luôn là vấn đề nhạy cảm. Nhưng đã có những thời điểm, vì ngần ngại sự nhạy cảm mà nó không được thông tin rộng rãi, tạo ra những tranh cãi hoặc xuyên tạc.
Ý thức về chủ quyền quốc gia thiêng liêng luôn dâng đầy trong huyết quản mỗi người Việt, dù họ sống ở trong hay ngoài biên giới. Bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Tổ quốc, có thể là cột mốc trên thực địa, cũng có thể là những “cột mốc” trong thông tin, nhận thức ở không gian mạng và những không gian khác. Tâm huyết, trí tuệ và sự nhạy cảm của hơn 80 triệu người bao giờ cũng đáng trân trọng. Đấy là một tài nguyên vô giá và không bao giờ cạn kiệt.
Chủ quyền quốc gia là chuyện lớn lao. Cũng có những chuyện tuy không lớn như thế nhưng cũng cần những phát hiện, những thông tin kịp thời để phản ánh. Và những phát hiện ấy cũng cần được phản hồi nhanh, để không bị chìm lấp đi bởi thời gian hoặc sự tắc trách. Lớn hay nhỏ nếu đã là vì ích nước, lợi dân đều cần được tiếp nhận, xử lý thông tin, biến thành thay đổi trên thực tế với tốc độ nhanh. Quan hệ Nhà nước – công dân phải thực sự là tương tác hai chiều, tương tác đa chiều.
Đặt trong ý nghĩa ấy, chuyện tấm bản đồ có thể coi như một tiền lệ đáng quý.
Vũ Thượng