Hầu hết các chỉ số đều có tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn bị tụt hạng 6 bậc so với năm trước, xếp thứ 104 trong số 175 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 17 trong 23 nước châu Á. Đánh giá trên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã thực sự gây sốc cho Việt Nam.
Tại sao lại có thể như vậy khi Việt Nam đang lập kỷ lục mới trong thu hút đầu tư nước ngoài? (theo Bộ KH-ĐT, 8 tháng qua cả nước thu hút 3,97 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài). Phải chăng WB và IFC dựa trên những cơ sở sai lệch nên mới dẫn đến kết quả “đi ngược” nỗ lực cải thiện của Việt Nam?
Nhiều người biết rằng WB và IFC là những “thương hiệu” đã được bảo chứng toàn cầu. Họ là nhà đầu tư đang có những đóng góp hàng đầu cho sự phát triển của thế giới, đặc biệt tại các nước nghèo, đang phát triển như Việt Nam. Tất cả những nghiên cứu của họ đều nhắm đến mục đích: làm sao để “đồng vốn bỏ ra” được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Trong “Báo cáo môi trường kinh doanh 2007” kể trên, WB và IFC đã dựa vào 10 tiêu chí cụ thể để đánh giá môi trường đầu tư từng quốc gia: quá trình thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép đầu tư, tuyển dụng - sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư, thương mại quốc tế, đóng thuế, thực thi hợp đồng và giải thể doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các chuyên gia đi sâu phân tích từng yếu tố tại mỗi quốc gia và so sánh với các nước trong khu vực. Và như vậy, sự “sai lệch căn bản” là không thể.
Tất nhiên, nói một cách công bằng, như lời bà Caralee McLiesh - Giám đốc chương trình của dự án này: Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cải cách mạnh mẽ về rút ngắn thời gian cấp phép, linh hoạt trong các quy định lao động… Tuy nhiên, “Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc thu hẹp khoảng cách ngay với các quốc gia đứng đầu ASEAN”.
Điển hình: việc thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam phải qua đến 11 bước với hơn 50 ngày, trong khi tại Singapore chỉ cần qua 6 thủ tục và 6 ngày. Còn trong tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam vẫn bị xếp là 1 trong 5 nước kém nhất thế giới! Điều đó nói lên rằng, sự “tiến bộ mạnh mẽ” của chúng ta chỉ mới trên cơ sở so sánh với chính chúng ta, chứ chưa đặt trên tương quan với nỗ lực của các quốc gia khác.
Hẳn nhiều người còn nhớ khi “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2006” được công bố, nhiều tỉnh đứng hạng thấp đã phản ứng gay gắt vì “tại sao chúng tôi đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn bị đánh giá thấp hơn tỉnh khác?”. Tuy nhiên, họ đã “quên” rằng hầu hết các tỉnh, kể cả các tỉnh xếp hạng cao, nhiều chỉ số chỉ đạt điểm trung bình trở xuống và chưa có tỉnh nào đạt điểm cao nhất cho một chỉ số.
Còn mới đây, trong khi người dân, doanh nghiệp khắp nơi còn ta thán về những yếu kém, trì trệ của bộ máy hành chính; tình trạng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức còn phổ biến thì nhiều quận huyện, sở ngành ở TPHCM vẫn thản nhiên “tự chấm điểm” về chỉ số (mức độ) hài lòng của người dân đối với mình lên đến 90%, thậm chí… 100%!?
Đảng ta đã xác định phải huy động trí tuệ của cả dân tộc để tìm cách đi tắt đón đầu, sớm đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu và bắt kịp các nước phát triển. Tuy nhiên, nếu không khắc phục được lối tư duy kiểu những câu chuyện kể trên thì e rằng, dù có nỗ lực bao nhiêu, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục… chạy đằng sau!
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG