
Diễn đàn thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam chủ trì diễn đàn.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành trái cây Việt Nam đang đứng trước áp lực mở rộng thị trường xuất khẩu và khẳng định thương hiệu. 4 loại trái cây chủ lực gồm chanh leo, chuối, dứa và dừa được đánh giá là những mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng nhanh, tiệm cận mốc tỷ USD và đang góp phần đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của ngành rau quả.

Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện Việt Nam có hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 15 triệu tấn mỗi năm.
Trong đó, chuối chiếm diện tích 161.000ha với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 380 triệu USD vào năm 2024, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chuối lớn thứ 9 thế giới. Sản phẩm chuối Việt đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Dứa cũng đạt diện tích trên 52.000ha, dừa gần 202.000ha và chanh leo hơn 12.000ha. Tất cả đều đang có xu hướng mở rộng xuất khẩu và phát triển chế biến sâu.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam) cho biết: Từ ngày 1-7, trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi Lệnh 248 về quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu. Đến nay, Trung Quốc đã cấp hơn 4.000 mã sản phẩm cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Văn phòng SPS cho biết, khi Việt Nam thực hiện thay đổi chính quyền địa phương 2 cấp, đã có sự điều chỉnh địa chỉ và người đứng đầu trên hệ thống thông tin CIFER của Trung Quốc. Vào ngày 19-6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng tiếp tục làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và các bên liên quan để thông tin về sắp xếp này cũng như hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết ĐBSCL là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, với hơn 20 giống dừa được canh tác theo hình thức vườn hộ. Tuy nhiên, do tập quán người dân thường tự ý đưa giống mới về trồng, không qua chọn lọc, nên dẫn đến tình trạng trồng chéo, giống chéo, làm giảm chất lượng đầu ra. Chỉ đến khi có sự định hướng chuyên canh từ cơ quan chức năng và hiệp hội, chất lượng dừa mới dần ổn định. Trong khi đó, ngành chế biến dừa còn thủ công, phần lớn gọt bằng tay để xuất khẩu, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng dây chuyền hiện đại, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics.
“Để phát triển bền vững, ngành dừa cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các viện, trường để đưa ra giải pháp nâng cao năng suất, hiện đại hóa sản xuất. Chúng ta có thể chế biến dừa kết hợp cùng các loại quả khác để đa dạng hóa sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị trái cây Việt Nam”, bà Thanh nói.

Dù quy mô sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng, ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) lưu ý, đến nay chỉ có mặt hàng sầu riêng nổi bật vươn lên thành sản phẩm trái cây duy nhất lọt vào nhóm xuất khẩu "tỷ đô", với kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024. Trong khi đó, những mặt hàng từng có vị thế như thanh long lại sụt giảm mạnh, từ hơn 1 tỷ USD xuống chỉ còn 534 triệu USD năm 2024. Thực tế này cho thấy vẫn còn rất nhiều việc cần triển khai để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Diễn đàn này chính là cơ hội để tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi từ quy hoạch vùng trồng, liên kết sản xuất, chế biến đến mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh: Đây không phải là việc của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã.