Ưu đãi lãi suất, có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp du lịch

Chiều 18-7, Sở Du lịch TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch với Chính quyền Thành phố. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của ngành du lịch sau khi các địa phương sáp nhập với TPHCM.

Khách thưởng thức ẩm thực đêm tại Khu du lịch Văn Thánh (trực thuộc Saigontourist Group)
Khách thưởng thức ẩm thực đêm tại Khu du lịch Văn Thánh (trực thuộc Saigontourist Group)

“Nóng” với việc di chuyển, xử lý đơn vị lừa đảo

Mở đầu buổi đối thoại, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Amadive (Côn Đảo) phản ánh thực trạng đáng báo động: nhiều cá nhân hoạt động tại Côn Đảo không có chứng chỉ hành nghề, chuyên môn. Giá dịch vụ tại Côn Đảo khá cao, có tình trạng đầu cơ giá vé máy bay, gây tăng giá vé. Thậm chí, xuất hiện trường hợp lập trang fanpage giả mạo có tích xanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng chỉ ra bất cập khi mất từ 4-5 giờ đồng hồ, thậm chí có ngày mất 10 giờ đồng hồ, để di chuyển từ phường Sài Gòn đến phường Vũng Tàu.

Về phía doanh nghiệp lữ hành, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, gợi mở về tiềm năng khai thác sông, biển, núi… đa dạng của TPHCM và đề xuất phát triển sản phẩm theo từng trục, áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để quảng bá điểm đến.

Khách tham quan Côn Đảo.jpg
Du khách tham quan Côn Đảo do Lữ hành Vietluxtour tổ chức

Bà Ngô Chánh Nga, Giám đốc Công ty phát triển du lịch sinh thái Xuyên Mộc Hồ Tràm, kiến nghị lập tuyến xe buýt công cộng từ Hồ Tràm đến Vũng Tàu, chạy từ 6 giờ - 22 giờ. Vừa tận dụng được vẻ đẹp thiên nhiên của tuyến đường ven biển, vừa tiết kiệm chi phí đi lại cho khách du lịch, hiện khoảng 700.000-800.000 đồng/chuyến taxi. Nếu Thành phố gặp khó khăn trong việc đầu tư thì có thể phê duyệt chủ trương để doanh nghiệp tự triển khai.

Nửa năm nay, TPHCM đã đón gần 5 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa, với tổng doanh thu hơn 130.000 tỷ đồng.

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Les Rives (chuyên cung cấp tour đường sông ở TPHCM) bày tỏ trăn trở về cơ sở hạ tầng, khi Thành phố hiện có hơn 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường sông với khoảng 50 phương tiện, nhưng chưa có bến công cộng phục vụ du lịch đường thủy nội địa.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Trước những góp ý thẳng thắn của doanh nghiệp, đại diện các sở, ngành đã có những phản hồi và cam kết đồng hành tháo gỡ. Ông Trần Ngọc Đông Quân, Trưởng Phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch, cho biết quản lý chất lượng hướng dẫn viên là ưu tiên hàng đầu của ngành. Sở sẽ công khai danh sách hướng dẫn viên được cấp thẻ, tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, hội thi và mở rộng các khóa đào tạo ngôn ngữ hiếm (Nhật Bản, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý...).

Khách quốc tế tham quan Côn Đảo.jpg
Khách quốc tế tham quan đặc khu Côn Đảo. Ảnh: NÔNG NGÂN

Đồng thời, sở cũng thường xuyên phối hợp liên ngành với Công an TP kiểm tra thẻ hướng dẫn viên và duy trì kênh hỗ trợ 24/7 qua tổng đài 1022 (nhánh 8). Về tình trạng đầu cơ phòng khách sạn, đại diện Phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch TPHCM, cho biết sẽ triển khai tổng thể các biện pháp tăng cường minh bạch thông tin, khuyến khích doanh nghiệp công khai giá niêm yết, bán đúng giá và cập nhật thường xuyên trên các hệ thống trực tuyến. Đồng thời, sẽ xử phạt mạnh các doanh nghiệp vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch, thông tin về việc cập nhật tài nguyên du lịch. Trong giai đoạn 1, đã có khoảng 500 tài nguyên du lịch trên địa bàn TPHCM được định vị. Định hướng chiến lược phát triển du lịch TPHCM 2030-2045 sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm lễ hội, sự kiện; sản phẩm đường thủy (sông, biển) kết nối TPHCM – Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; di tích văn hóa lịch sử, nghệ thuật dân gian, biểu diễn đương đại; du lịch đêm; và du lịch nông nghiệp, làng nghề. Về cơ chế chính sách sandbox, bà Thảo cho biết sẽ khuyến khích đầu tư vào các sự kiện lớn, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch), hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, ưu đãi lãi suất…

Khách vui chơi. thưởng thức ẩm thực đêm.jpg
Người dân, du khách trong và ngoài nước vui chơi, thưởng thức ẩm thực đêm tại Khu du lịch Văn Thánh (trực thuộc Saigontourist Group)

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thay mặt ngành du lịch đánh giá cao những chia sẻ, hiến kế của các doanh nghiệp. Những thông tin này sẽ là chất liệu để xây dựng tour tuyến mới, thu hút nguồn khách trải dài trên địa bàn mới. Với những chính sách hiện hữu như đào tạo nguồn nhân lực, các lớp đào tạo ngôn ngữ hiếm, sẽ tiếp nối mở rộng cho khu vực Vũng Tàu, Bình Dương.

“Ngành du lịch sẽ phối hợp cùng các sở ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như mở thêm các tuyến xe buýt, xây dựng bến bãi thủy nội địa, kết nối rút ngắn thời gian di chuyển từ nội đô đến Vũng Tàu. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc và cùng nhau phát triển,” bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Du khách trải nghiệm tour ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn đầu tháng 6.2025.jpg
Du khách trải nghiệm tour ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn

Ở góc độ đơn vị phối hợp tổ chức đối thoại, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC đánh giá cao sự tham dự, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đến từ một số khu vực xa như Vũng Tàu, Côn Đảo. Ông cũng thông tin, tới đây, TPHCM sẽ có đoàn đến các khu vực này để ghi nhận thêm tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, cũng như xem xét xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp cho từng khu vực...

Tin cùng chuyên mục