Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ hiện có trên 2,2 triệu con bò, chiếm hơn 37% tổng đàn bò cả nước; khoảng 102.000 con cừu, trong đó hơn 90% tập trung tại khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa, chiếm gần như toàn bộ đàn cừu cả nước. Vùng cũng là thủ phủ của ngành nuôi dê với hơn 550.000 con, đồng thời là vùng có sản lượng mật ong lớn, chiếm khoảng 27% cả nước.
Nhiều địa phương đã triển khai các mô hình chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại tỉnh Khánh Hòa, với lợi nhuận cao gấp gần 4 lần so với phương thức chăn nuôi truyền thống. Một số mô hình khác như chăn nuôi cừu sinh sản ở khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa; nuôi vịt biển thích nghi với vùng nước mặn tại khu vực phía Đông tỉnh Đắk Lắk,... cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.

Tại diễn đàn, các đại biểu đánh giá cao việc nhiều mô hình chăn nuôi đã gắn với các hoạt động du lịch trải nghiệm như tham quan, cắm trại, giới thiệu và tiêu thụ đặc sản nông nghiệp tại chỗ, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, mang lại giá trị gia tăng rõ nét. Khẳng định du lịch nông nghiệp đang dần trở thành hướng đi hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình tương tự còn đối mặt nhiều khó khăn, như: chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún; thiếu chính sách tích hợp giữa nông nghiệp và du lịch; thiếu vốn đầu tư và hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp; năng lực kết nối chuỗi giá trị còn hạn chế;... Từ đó, các đại biểu đề xuất một số giải pháp như: hoàn thiện quy hoạch vùng chăn nuôi, hỗ trợ tài chính cho nông dân, ứng dụng công nghệ cao, phát triển mô hình farmstay, xây dựng sản phẩm OCOP từ chăn nuôi, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân,...

Tiến sĩ Đặng Quý Nhân, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho biết, chương trình OCOP là điểm sáng trong phát triển nông thôn thời gian qua. Tính đến nay, cả nước có gần 17.000 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 115 sản phẩm đạt 4-5 sao cấp quốc gia. Đây là các sản phẩm đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền, góp phần thu hút lao động tại chỗ và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.