
Từ lâu, hoạt động kinh tế vỉa hè (KTVH) ở TP Hồ Chí Minh đã gắn liền với sự phát triển không gian đô thị và quá trình tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh những tác động xấu, hoạt động KTVH đã đóng góp rất quan trọng đến việc ổn định thu nhập và đời sống của hàng nghìn người dân. Dù vậy, từ lâu, các nhà quản lý, quy hoạch xây dựng đô thị thành phố vẫn chưa quan tâm đúng mức và cẩn trọng đến loại hình hoạt động này.
KTVH - một bộ phận của khu vực kinh tế phi chính thức - là hoạt động buôn bán để kiếm sống của một bộ phận người dân đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ và hàng hóa giá rẻ, tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho cư dân đô thị. KTVH là khái niệm để chỉ các hoạt động mua bán, kinh doanh của người dân có liên quan đến vỉa hè, đường hẻm, khu vực dân cư. KTVH ở TP Hồ Chí Minh có thể tạm chia thành hai nhóm đối tượng hoạt động chính: nhóm cố định và nhóm lưu động.
- Vẫn là cứu cánh

Kinh tế vỉa hè ngày càng lùi sâu vào các con hẻm.
Cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, TP Hồ Chí Minh mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn người từ các tỉnh khác chuyển đến, mà phần lớn trong số họ xuất phát từ những điều kiện sống thấp, đặc biệt là trình độ học vấn, tay nghề, thói quen, kỹ năng và kỷ luật lao động… không cao. Do đó, khi đến TP Hồ Chí Minh, nhiều người phải làm các việc phi chính thức để mưu sinh, trong đó khá đông tham gia vào những hoạt động KTVH.
Phải nhìn nhận rằng, trong nhiều năm liên tiếp, TP Hồ Chí Minh luôn đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nên nhu cầu tuyển lao động cũng rất lớn. Thế nhưng, thực tế số lao động tuyển được rất thấp so với nhu cầu. Những người không trúng tuyển dĩ nhiên rơi vào tình trạng không hoặc chưa có việc làm, thất nghiệp tạm thời và cùng với lực lượng lao động khá lớn không tham gia các đợt tuyển lao động hoặc các hội chợ việc làm, họ dần tìm đến hoạt động KTVH để mưu sinh.
Khu vực kinh tế phi chính thức không những là cứu cánh cho những người thiếu việc làm từ nông thôn không ngừng đổ về đô thị mà còn cho những người bị mất việc ở khu vực kinh tế chính thức ngay tại TP Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, khá nhiều phụ nữ kiếm sống trong khu vực KTVH từng có thời là công nhân trong các khu công nghiệp bị mất việc hoặc do không còn đủ sức khỏe để kham nổi chế độ làm việc căng thẳng nhiều giờ của xí nghiệp nên tự xin nghỉ.
- Nhộn nhịp bán mua nơi hẻm nhỏ
Theo kết quả khảo sát của Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh (2003), tại 35 tuyến đường một số quận nội thành, rất đông người dân hoạt động KTVH lưu động đều đến từ các tỉnh (miền) khác: các tỉnh đồng bằng sông Hồng (48%); các tỉnh duyên hải miền Trung (23%). Với những người hoạt động KTVH cố định đa phần đã định cư ở TP Hồ Chí Minh trên 10 năm, ngược lại, những người hoạt động trong lĩnh vực KTVH lưu động có thời gian đến TP Hồ Chí Minh trễ hơn, từ 5-7 năm chiếm hơn 50% theo mẫu khảo sát. Số người hoạt động KTVH nói chung có trình độ học vấn không cao, từ cấp 2 trở lại chiếm khoảng 80% (theo Dư Phước Tân, Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh, 2004). |
Nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại, gắn bó với hoạt động KTVH của người dân thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều, mỗi người một lý do, một hoàn cảnh, trong đó có cả nguyên nhân do nhu cầu và thói quen mua hàng của người dân.
Thực vậy, ở TP Hồ Chí Minh hiện vẫn có hàng nghìn người làm việc với mức thu nhập quá thấp (sau khi trừ các chi phí sinh hoạt thiết yếu). Hàng trăm nghìn công nhân tại các KCN, KCX, những người cao tuổi hưởng lương hưu, hàng trăm nghìn sinh viên, học sinh đang tạm trú tại thành phố cần có bữa ăn, đồ dùng hằng ngày.
Thực tế, loại hình kinh tế phi chính thức - KTVH từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua (bán) nhanh, tiện lợi (tại nhà, tại nơi làm hoặc trên đường đi làm về),… cùng các loại hàng hóa giá rẻ. Sống ở một đô thị mà các siêu thị chỉ mở cửa từ sau 8 giờ sáng, ở những nơi không tiện đường, số lượng hàng hóa không nhiều,… thì rõ ràng những tiện lợi từ các hoạt động KTVH đem lại, quả là vẫn còn ý nghĩa.
Hơn nữa, mấy năm gần đây, khi chi phí cho các nhu cầu thiết yếu ở thành phố như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, y tế, giáo dục luôn tăng, trong khi đó mức thu nhập của hàng nghìn hộ thu nhập thấp và nghèo không tăng bao nhiêu nên nhu cầu mua sắm hàng hóa từng bữa, từng ngày với số lượng và chất lượng (hàng hóa) không cao cũng góp phần làm cho hoạt động KTVH trở nên sôi nổi. Khác chăng là, thay vì cứ ngang nhiên hoạt động buôn bán ở các tuyến đường như trước đây thì đến nay họ đã “rút lui” và “tự thu xếp” vào trong các con hẻm, các khoảng không gian còn sót lại trong khu dân cư để buôn bán.
Các tuyến đường lớn ở các quận nội thành nay đã “sáng ra”, bớt đi các cảnh chen lấn buôn bán mất trật tự, chiếm dụng vỉa hè nhưng ngược lại, tại hầu hết các con hẻm, các khoảng không gian bên trong các con đường lớn dường như mỗi lúc một “tối lại”, người bán, kẻ mua hàng hóa ở đó mỗi lúc một nhiều, cũng nhộn nhịp không kém gì bức tranh của một cái chợ!
PHẠM THANH THÔI