Cuối tháng 4-2012, nữ nhà văn Bích Ngân (Trịnh Bích Ngân) cùng đoàn văn nghệ sĩ TPHCM ra thăm quần đảo Trường Sa.
Chuyến công tác mang lại nhiều xúc cảm, anh chị em văn nghệ sĩ đã sáng tác được nhiều tác phẩm hay về biển đảo, về Tổ quốc. Trong chuyến đi đó, được biết, lúc đặt chân lên đảo Đá Tây, Bích Ngân bất ngờ đọc được bài thơ phiên âm từ Hán Việt, đó là Nam quốc sơn hà, khắc trên bệ đá đặt trong một am thờ giữa sóng gió: Nam quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Nhà văn Bích Ngân (trái) và tác giả - nhạc sĩ Trương Tuyết Mai trong một chương trình văn nghệ
Cảm xúc cũng bất ngờ trào dâng khiến lòng dạ nhà văn rúng động. Bích Ngân rúng động, có lẽ không phải chỉ do bài thơ tuyệt tác mà còn chính vì bài thơ đó được khắc trên bệ đá giữa trùng trùng ngọn sóng, bão cuốn, lòng tham. Bài thơ ngắn gọn sắc sảo và vô cùng súc tích, đã khẳng định quyết liệt bờ cõi đất nước ta từ bao đời nay. Cảm xúc đó được Bích Ngân ghi lại trên tàu HQ 936. Bài thơ thần khắc trên vách đá ra đời và được đọc trên tàu HQ936 cho chiến sĩ hải quân và anh chị em đoàn công tác cùng nghe: Giữa trùng trùng ngọn sóng/ bài thơ thần Nam quốc sơn hà/ tạc lên vách đá/ tạc vào đất trời/ tạc vào tâm khảm/ người người/ Giữa trùng trùng bão cuốn/ Nam quốc sơn hà nam đế cư/ câu thơ được kết/ bằng máu/ bằng xương/ bằng hồn thiêng/ câu thơ cắm mốc chủ quyền lãnh thổ / Giữa biển trời bình yên/ câu thơ sơn hà/ ngấm vào từng tế bào thịt da Tổ quốc/ và lắng sâu/ trong tim/ người người.
Những câu chữ ngùn ngụt khí phách, những câu chữ hừng hực lòng yêu nước và chất chứa biết bao tâm huyết của biết bao anh linh. Nó nhắc nhớ chúng ta trách nhiệm công dân cao cả: Khi nước nhà có giặc thì tất cả phải đồng lòng siết chặt tay nhau để bảo toàn giang sơn bờ cõi. Đó cũng chính là lời của bài hát Khúc ca bài thơ sơn hà được tôi phổ từ Bài thơ thần khắc trên vách đá của nhà văn Bích Ngân. Sự cộng hưởng giữa nhạc và thơ của tôi và Bích Ngân chỉ mong mỏi một điều duy nhất, là sự nhắc nhớ về lòng yêu nước của dân tộc ta có từ ngàn đời nay. Nó là viên ngọc quý luôn lấp lánh sáng ngời suốt bề dày lịch sử dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bài thơ như giúp chúng ta và cả những thế hệ mai sau ghi tạc: Không phải tự nhiên mỗi người được thụ hưởng những thập niên yên bình hạnh phúc như bây giờ, mà mỗi tấc đất, mỗi vùng trời, vùng biển Tổ quốc đều thấm đẫm mồ hôi nước mắt và máu xương của bao đời mới gìn giữ được…
Gần đây, tôi rất bất ngờ và xúc động khi tình cờ thấy Khúc ca bài thơ sơn hà mở đầu thật hoành tráng cho chương trình Hướng về biên giới và hải đảo Tổ quốc - phát sóng trên Đài Truyền hình TPHCM. Tác phẩm được dàn dựng hoạt cảnh thật công phu, có hợp xướng, có solo, có các vũ đoàn và dàn trống tham gia diễn xuất khá hiệu quả.
Chị em tôi được may mắn là có tiếng nói chung về văn chương, nhất là trách nhiệm công dân. Nhờ vậy mà tôi luôn quan tâm, đồng cảm, chia sẻ, động viên, khích lệ cùng các tác phẩm, từ truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết, vở kịch và cả những bài báo nóng hổi tính thời sự của nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo Bích Ngân.
Trong thơ ca cũng vậy, Bích Ngân viết ít nhưng lại nổi trội. Thơ tình của Bích Ngân mà tôi phổ nhạc, như: Với anh, Chợt nhận ra... thì đắm đuối hết lòng, hết dạ. Thơ chính luận (Những chiếc gương soi, Bài thơ thần khắc trên vách đá)… lại gan ruột không ngờ. Tôi thích những rung động tận cùng đó của Bích Ngân - nó ắp đầy cảm xúc, hình tượng, độ ngân rung khơi mở và hơn hết là trách nhiệm công dân đối với dân tộc, với Tổ quốc. Chắc chắn đó phải là người đàn bà cầm bút có trái tim nhân văn vô cùng.
Tôi hy vọng sẽ còn được đọc nhiều nữa những tác phẩm luôn nặng lòng với dân, với nước, những tác phẩm mang đậm tính nhân văn với trách nhiệm công dân của một nữ nhà văn chân chính. Tôi cũng tin người cầm bút như Bích Ngân sẽ được nhận về những trải nghiệm và những món quà vô cùng quý mà cuộc đời dành cho. Món quà ấy tuy vô hình nhưng rất nặng. Nó chỉ thực sự có giá trị và ý nghĩa với người có tấm lòng và biết sáng tạo không ngừng.
TUYẾT MAI