(SGGP).- Lúc 17 giờ ngày 29-6, chương trình Cầu truyền hình trực tiếp giữa đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường sa) và TPHCM mang tên Hát cùng Trường Sa - Song Tử Tây thân yêu do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp cùng Quân chủng Hải quân và Quân khu 7 tổ chức đã diễn ra tại Nhà Thi đấu Quân khu 7 (TPHCM). Đây là lần đầu tiên một cầu truyền hình âm nhạc, giao lưu được tổ chức tại đảo Song Tử Tây.
Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận; Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7; Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, lãnh đạo các đơn vị sở ngành cùng đông đảo chiến sĩ, thanh niên, sinh viên thành phố.
Như kỳ vọng của những người thực hiện, trong 3 giờ đồng hồ diễn ra, Hát cùng Trường Sa - Song Tử Tây thân yêu đã thực sự trở thành cầu nối gửi gắm tâm tình của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đảo xa cũng như những tình cảm của lãnh đạo, của nhân dân, thanh niên, học sinh, sinh viên từ đất liền gửi đến Trường Sa thân yêu.
Đan xen trong cảm xúc của những bài tình ca về biển đảo, về Trường Sa, chương trình như ngập tràn trong những nỗi niềm chia sẻ của yêu thương và gửi gắm. Đó là tình cảm của những người lính đang công tác tại đảo Song Tử Tây như binh nhất Đinh Công Chánh (quê Bình Chánh, TPHCM), binh nhất Phí Văn Tùng (quê Ba Vì, Hà Nội) hay như chàng trai Trần Tuấn Phụng (quê Bình Thuận) mà cả từ đời ông đến đời cha đều bám biển, lớn lên cùng biển và mưu sinh trên biển. Người xem thổn thức theo những nỗi nhớ trào trên khóe mắt khi các bậc sinh thành nhìn thấy hình ảnh con trai mình, cô em gái nhỏ rưng rưng vì nhớ anh hay những tâm sự ngắt quãng trong niềm xúc động của những người lính trẻ.
Đó là ánh mắt chan chứa yêu thương của Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên cụm tại đảo Song Tử Tây, nhìn đứa con ngây thơ vùi đầu vào bầu sữa mẹ ngủ trước ống kính truyền hình. Hai năm trước, khi anh ra đảo, đứa bé ấy chỉ mới sinh ra đời. Nhưng trên hết và cũng đầy ý nghĩa, là những lời động viên, gửi gắm và cả kỳ vọng của những người làm cha, làm mẹ dành cho sự trưởng thành của con mình cũng như mong mỏi con mình luôn giữ vững tinh thần và sức khỏe để bảo vệ biển đảo quê hương. Đó còn là câu chuyện của những người một đời gắn bó, mưu sinh trên biển. Họ như sợi dây nối đất liền với biển đảo quê hương, góp phần khẳng định chủ quyền trên thềm lục địa trải dài hơn 3.000 cây số vuông dọc mảnh đất hình chữ S.
Những tiết mục văn nghệ, với phần tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ như Ngọc Giàu, Hoài Linh, Phước Sang, Anh Vũ, Võ Minh Lâm, Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, Vân Khánh, Đức Tuấn, Lương Chí Cường, Quốc Đại, Thụy Vân, Võ Hạ Trâm… tạo ra một tổng phổ cảm xúc thú vị cho chương trình.
Đặc biệt, hình ảnh người nghệ sĩ, người lính một thời - NSND Trần Hiếu - dù tuổi cao nhưng tiếng hát vẫn tràn trề nhựa sống vang lên giữa biển trời Song Tử Tây gió mưa đã gây niềm xúc động khó nguôi. Để rồi, câu hát “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương…” như vấn vương theo lòng người cả khi chương trình kết thúc.
Vâng, Song Tử Tây là quê hương, Trường Sa là quê hương, biển đảo là quê hương! Chúng ta quyết trân quý giữ gìn những vùng biển đảo quê hương và càng trân quý những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữ gìn ấy - những người lính Trường Sa quả cảm, kiên cường.
KHẮC THI
| |
- Thông tin liên quan:
>> Hát cùng Trường Sa - Song Tử Tây thân yêu