Ngay những ngày đầu năm 2011, Khu quản lý Giao thông Đô thị số 2 thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hầm chui trước Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức. Theo Ban An toàn Giao thông (ATGT) TPHCM, khu vực gần Khu chế xuất Linh Trung là một trong những điểm đen về ATGT của thành phố.
Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra khi công nhân của khu chế xuất băng qua quốc lộ 1A (nằm trước khu chế xuất). Chính vì vậy, TPHCM đã phải cấp ngay hơn 60 tỷ đồng để xây hầm chui băng ngang qua con đường này để công nhân lao động tại đây đi lại an toàn. Thế nhưng, liên tục có mặt ở khu vực này suốt tuần qua, phóng viên của Báo SGGP đã chứng kiến có rất ít công nhân “chịu” qua đường bằng hầm chui, hầu hết họ chọn cách băng ngang qua quốc lộ 1A, bất chấp xe ô tô các loại lưu thông như mắc cửi.
Thực ra, đây không phải là hiện tượng cá biệt. Theo Sở GTVT TPHCM, trên toàn địa bàn thành phố có 14 cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ. Tuy nhiên chỉ có vài cầu và hầm thu hút được người đi (dù không nhiều) như cầu vượt trước Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, cầu vượt trước Bệnh viện Nhân dân Gia Định còn lại phần lớn cầu vượt, hầm chui có rất ít người sử dụng. Thực trạng này cũng không chỉ có ở TPHCM mà xảy ra tương tự ở Hà Nội. Nhiều đợt tuyên truyền vận động người dân sử dụng hầm vượt, cầu chui để qua đường cho an toàn đã được thực hiện, nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.
Tại sao mọi nỗ lực đều chưa mang lại kết quả tốt? Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý Giao thông Đô thị số 2, cho biết Khu quản lý Giao thông số 2 đang tính đến một giải pháp, đề nghị cho… họp chợ hoặc cho xây dựng vài quầy bán hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhẹ ngay trong hầm để thu hút công nhân. Vỉa hè của hầm chui rộng tới khoảng 6m nên việc họp chợ về cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thông trong hầm. “Đây là cách giải quyết khả thi nhất vì tôi đã quan sát thấy đa số công nhân không sử dụng hầm chui để qua đường là vì muốn đi chợ - những chợ “chồm hổm” họp ngay trên quốc lộ 1A”, ông Vũ Kiến Thiết nói. Khu quản lý Giao thông Đô thị số 2 còn dự định đề xuất cho quảng cáo trong hầm để lấy kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình.
Chưa biết giải pháp của Khu quản lý Giao thông Đô thị số 2 có mang lại kết quả tốt hay không nhưng có lẽ cần phải thử nghiệm mọi phương cách để thu hút người dân sử dụng cầu vượt, hầm chui qua đường, bởi nếu không thì tai nạn giao thông vẫn xảy ra trong khi thành phố vẫn phải tốn hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình cầu vượt, hầm chui.
AN NHIÊN