Tôi thực sự bực mình sau khi đọc bài báo đăng trên trang ATGT số ra tuần trước. Tại sao Nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng hầm chui, cầu vượt cho người dân sử dụng, để đảm bảo an toàn cho chính người dân khi qua đường mà họ lại từ chối sử dụng chỉ vì… làm biếng đi bộ đến cầu, hầm?
Lúc tự do băng qua đường, người dân có biết rằng họ đang gây nguy hiểm cho chính mình, cho những người cùng lưu thông? Và quan trọng hơn hết, họ có hiểu nếu tai nạn xảy ra gia đình họ sẽ phải tốn một chi phí không nhỏ để điều trị chị cho chính họ. Nếu không may nữa, họ mất đi thì người thân của họ sẽ đau đớn đến mức nào? Cha, mẹ, con cái họ…ai sẽ nuôi nấng chăm sóc?
Tôi đề nghị, ở khu vực có hầm chui, cầu vượt, nên đặt những bảng tuyên truyền kiểu như “Nếu bạn bị tai nạn, ai sẽ là người trả chi phí điều trị? Gia đình, chỉ có gia đình bạn” hoặc là “Nếu bạn chết vì tai nạn giao thông, ai sẽ chăm sóc cha, mẹ, con, cái bạn?”. Hy vọng với những khẩu hiệu “sát sườn” như thế, người dân sẽ cẩn trọng hơn khi quyết định băng qua đường.
SƠN LAM
Cần chú trọng đạo đức nghề nghiệp của người ngồi sau tay lái
Trước đây, mỗi khi xảy ra tai nạn giao thông là người ta thường đổ lỗi do đường sá xuống cấp nhưng từ sau các vụ tai nạn thảm khốc gần đây cho thấy hễ nơi nào đường càng tốt thì nơi ấy tai nạn xảy ra nhiều hơn (?!). Phải chăng vì đường tốt đã tạo cho cánh tài xế tâm lý muốn “đua”?… Chưa ai có thể trả lời câu hỏi này nhưng vụ tai nạn giao thông ở Đồng Nai vừa qua cho thấy, rõ ràng do tài xế đã vi phạm tốc độ và tránh vượt sai quy định dù họ đã được trang bị Luật Giao thông đường bộ.
Vụ tai nạn này không chỉ làm dài thêm bảng thống kê buồn về tình hình tai nạn giao thông xảy ra tại Đồng Nai và cả nước trong năm 2007 mà khiến nhiều người đạt câu hỏi: Nên chăng cần phải bổ sung các quy tắc đạo đức đối với người lái xe vào chương trình sát hạch và cấp GPLX dành cho đối tượng này, bởi họ là người cầm nắm trong tay hàng chục sinh mạng con người. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của cánh tài xế, đồng thời tổ chức tuần tra, xử lý thường xuyên những trường hợp vi phạm tốc độ, vi phạm quy tắt tránh vượt, nhường đường… trên tuyến giao thông huyết mạch là QL 1A này.
Bình An (TPHCM)