Trong diện tích mấy công đất vườn đó, chỗ nào hơi trống là cha lại trồng thêm, có khi là cây ngắn ngày, có khi là cây ăn trái lâu này. Vì thế đến nay, vườn nhà tôi ở quê gần như loại nào cũng có, từ mít, ổi, mận, xoài, cóc, vú sữa đến lựu, lêkima…, dù mỗi loại chỉ từ một đến vài ba cây trở lại.
Trong diện tích đất vườn nhà, cha trồng nhiều nhất là dừa, chuối và bưởi. Dừa và chuối thì cha trồng xen kẽ trên các bờ bao quanh những con mương lớn nhỏ, chạy dài từ sau hè nhà ra tới ruộng; còn bưởi, cha “quy hoạch” riêng một liếp, vì cha nói bưởi là loại cây có múi, dễ trồng nhưng cũng dễ bị nhiễm sâu bệnh, nên trồng riêng, “cách ly” chúng, để các loại sâu bệnh, dịch hại không lây các loại cây trái, hoa màu khác.
Chính sự cần mẫn và chu đáo này của cha, chẳng bao lâu sau, vườn nhà tôi có trái cây ăn quanh năm. Tuy không nhiều, nhưng loại trái cây này cứ gối đầu lên loại trái cây khác. Cho nên ngày nhỏ ở quê, chúng tôi không đến nỗi “thèm rỏ dãi”. Cũng như cây cỏ trong vườn nhà, anh em tôi cứ thế nhẹ nhàng lớn lên bên màu xanh của lúa, bên xôn xao gió mát hiên nhà, bên rì rầm của những chiếc lá non tơ tựa bàn tay đưa ra vẫy… Chỉ khác một điều, khi “đủ lông đủ cánh”, mấy anh em bắt đầu “bay” khỏi tổ. Lần lượt từng đứa một, đi học rồi đi làm. Ngôi nhà thời thơ ấu vẫn nằm thinh lặng ở quê, mà ngày như một dần xa… dần xa…
Sau này, khi chúng tôi đều đã có gia đình riêng, cha thương con thương cháu lại “vác quê ra phố”. Cứ năm hôm bảy bữa lại đi ra đi vào giữa phố và quê, cốt là để chúng tôi yên lòng, rằng cha vẫn còn khỏe lắm, rằng mọi việc ở quê vẫn yên bình như ngày xưa.
Cho đến một ngày, khi kháng thể trong cơ địa của cha yếu đi, ông ngã bệnh. Dù vậy, cha vẫn giữ nếp sinh hoạt cũ. Cứ vài hôm ra thăm con cháu, ông lại về quê chăm sóc cây cối vườn tược, vì cha sợ, đất quê thiếu người, hay người phụ quê thì cái tình quê đong không còn đầy nữa…
Mấy năm cuối cùng, trước khi an nghỉ vĩnh hằng nơi quê nhà, sau thời gian tìm hiểu, cha cũng nắm bắt thêm về giống cây trồng. Thế là cha thử nghiệm mua mấy cây bưởi da xanh ruột hồng về trồng thử. Vì ngày trước có trồng bưởi năm roi, nên khi trồng thử loại bưởi da xanh này, cha cũng không thấy có khác lạ gì nhiều. Trong số những cái liếp đã lên sẵn từ nhiều năm trước, cha chọn cái liếp cao nhất so với mặt nước, để rễ bưởi không bị ngập. Thêm nữa, cái liếp bưởi này, ngang qua con mương nội bộ, bên vườn nhà nội, là nơi ông bà nằm. Cha giải thích thêm, trồng mấy gốc bưởi da xanh mới này, con cháu sang thăm mộ ông bà cũng tiện, cho ấm lòng hơn.
Trong số 5 cây bưởi da xanh cha trồng, cùng một liếp, cách chăm sóc như nhau, lạ một điều, chỉ duy nhất cây bưởi da xanh sát mép liếp cạnh con mương nội bộ vắt ngang chạy dài ra tận ruộng là sống, 4 cây còn lại còi cọc và chết lần chết mòn. Cha cũng đã giải thích như để tự an ủi mình, chắc có lẽ đất ngay giữa cái liếp đó, sau nhiều năm không trồng trọt, không chăm sóc, đã bị chai, không còn chất dinh dưỡng; riêng cây sát mép liếp, cạnh con mương, nên nó được uống nước đầy đủ hơn.
Đến khi cha nằm xuống, chúng tôi quyết định đặt cha ngơi chân ngay cái liếp cao nhất trong khuôn viên đất vườn của gia đình, ngang vị trí bên kia ông bà tôi đã nằm. Mấy tháng sau, cây bưởi da xanh duy nhất cha trồng còn sót lại gie nhánh và cho trái cạnh nơi cha an nghỉ. Nhìn mấy trái bưởi đung đưa trên cành ngay cạnh mộ cha, tôi tin rằng những quả bưởi này rất ngọt, vì chúng ra hoa đậu quả để dâng cho người đã dày công chăm sóc chúng.