“Cây đại thụ” trong cộng đồng

Đã 70 năm trôi qua, những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đều đã trên dưới 90 tuổi. Tuy mắt mờ, chân chậm nhưng trong họ vẫn vẹn nguyên niềm tự hào, vẹn nguyên phẩm chất chiến sĩ Điện Biên. Họ vẫn luôn được chính quyền và người dân địa phương kính trọng, xem như “cây đại thụ” trong cộng đồng, như cụ Nguyễn Công Nuôi (tổ dân phố 1, thị trấn Mường Ảng, tỉnh Điện Biên).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Tấm gương mẫu mực

Những ngày chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong cái nắng oi ả đầu hè, dọc quốc lộ 6 lên Điện Biên, nhiều đoàn xe mang dòng chữ “Đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa”. Hòa trong dòng người mang màu áo xanh, chúng tôi tìm về Mường Ảng, huyện nằm cách “lòng chảo” Điện Biên Phủ năm xưa gần 40km. Vừa đặt chân đến, Bí thư Huyện ủy huyện Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt đã giục giã: “Các chị đến gặp cụ Nguyễn Công Nuôi đi, người trực tiếp tham gia chiến dịch và có công xây dựng địa phương này từ những ngày đầu giải phóng Điện Biên”.

Ở tuổi 92, cụ Nguyễn Công Nuôi đang sống bình yên bên con cháu trong một ngôi nhà nhỏ nằm sát chân đồi. Trên chiếc bàn nước nơi cụ thường ngồi đặt trang trọng tấm ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức tranh giải phóng Điện Biên Phủ... Cụ Nuôi dáng vẻ khỏe mạnh, nước da đỏ đắn, và đặc biệt vẫn rất minh mẫn. Hàng ngày cụ vẫn có thể lên đồi làm vườn, tự tay chăm sóc cụ bà.

H3a.jpg
Cụ Nguyễn Công Nuôi trong khu vườn trước cửa nhà. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong câu chuyện với chúng tôi, cụ rất trăn trở khi Mường Ảng vẫn là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, đời sống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn vẫn nhiều khó khăn. Cụ thường cùng tổ dân phố, trưởng bản tổ chức họp bà con lại để tuyên truyền, nhắc nhở bà con nâng cao cảnh giác trước những lời rủ rê, lừa phỉnh tham gia vào các đường dây buôn bán, làm ăn phi pháp. Cụ vận động bà con nhân dân tham gia các phong trào thi đua đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, nỗ lực phát triển kinh tế… Thỉnh thoảng, cụ Nuôi đến các trường học để kể cho học sinh về chuyện chiến đấu anh dũng của chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Bí thư Huyện ủy huyện Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt cho biết, các thế hệ cán bộ huyện Mường Ảng luôn coi cụ là “thủ trưởng” của mình. Mỗi khi có khó khăn, vướng mắc trong công tác, anh em lại đến chia sẻ, lắng nghe những góp ý quý giá của cụ. Ngày 21-4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên Trần Quốc Cường đã đích thân trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho cụ Nguyễn Công Nuôi…

Trọn đời cống hiến

Câu chuyện của cụ Nuôi đưa chúng tôi trở về khoảng thời gian cách đây hơn 70 năm. Từ quê hương huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, chàng trai trẻ Nguyễn Công Nuôi bước chân vào quân ngũ, tham gia giải phóng Sầm Nưa (Lào), sau đó về giải phóng Lai Châu rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong những trận đánh đồi A1 năm ấy, chàng pháo thủ Nguyễn Công Nuôi được tham gia ngay từ trận mở màn ngày 30-3-1954, cũng là trận gay go, quyết liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch. Trận đánh dai dẳng kéo dài hàng tháng trời, số thương vong rất cao, nhưng với tinh thần quyết chí, bền lòng, pháo thủ Nguyễn Công Nuôi và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị xung kích đánh đồi A1. 4 tháng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh lính Nguyễn Công Nuôi vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay trên mảnh đất vừa tan khói súng, khi vừa 22 tuổi.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7 ngày, nhận tin Nguyễn Công Nuôi được về thăm nhà, người mẹ đã tranh thủ hỏi vợ cho anh. Dù chưa từng gặp mặt, nhưng cô gái Phạm Thị Tam con “nhà giàu” đã “ưng” ngay, nên chỉ trong 3 ngày đã có một đám cưới trong số mấy ngày phép ít ỏi của anh lính. Cưới xong, để lại người vợ ở hậu phương làm ruộng và nuôi mẹ chồng, người lính ấy về Nam Định công tác theo sự phân công của cấp trên. Sau đó, anh được đơn vị giao nhiệm vụ trở lại Điện Biên vào tháng 3-1958 để xây dựng Nông trường Điện Biên. Nguyễn Công Nuôi khi ấy đã quyết định lấy Tây Bắc làm quê hương thứ 2, từ bỏ cơ hội được đi đào tạo tại Liên Xô.

Từ lúc cưới vợ đến lúc nhận nhiệm vụ quay lại Điện Biên xây dựng nông trường là 4 năm, do cảnh chồng một nơi, vợ một nẻo, cặp vợ chồng trẻ vẫn chưa kịp sinh con. Trước khi trở lại Điện Biên, cụ về quê thăm mẹ, thăm vợ. “Mẹ tôi bảo, đưa vợ đi, không thể xa nhau mãi được”, cụ Nuôi nhớ lại. Còn cụ bà Phạm Thị Tam kể: “Khi quyết định theo chồng rời quê, gia đình tôi phản đối dữ lắm. Không ai biết Điện Biên xa xôi, rừng thiêng nước độc kia có gì để sống. Nhưng tin chồng nên tôi quyết đi”.

Trong ký ức của cụ Nuôi, khu vực nông trường khi đó hoang vu, xung quanh nơi ở hùm beo, thú dữ rình rập. Những năm chống Mỹ, địch bắn phá ác liệt, công cuộc xây dựng quê hương mới càng gian nan. Nhưng phẩm chất người lính Điện Biên chưa bao giờ phai nhạt, ông đã bền bỉ làm việc, trở thành Phó giám đốc Nông trường Điện Biên từ năm 1976, đến năm 1983 thì về hưu và chuyển về thị trấn Mường Ảng.

Những tưởng nghỉ hưu, cụ Nuôi sẽ được dành thời gian cho bản thân và gia đình, nhưng không phải như vậy. Có một khoảng thời gian Mường Ảng tạm thời không có chính quyền. Thực tế, từ năm 1991, Nông trường Mường Ảng giải thể, đồng nghĩa với việc thị trấn Mường Ảng trực thuộc nông trường giải thể theo. Trong thời gian khoảng 4 năm sau đó, tệ nạn trong vùng gia tăng, đời sống người dân rất bất ổn. Trước tình hình ấy, cụ Nuôi đã đề nghị tỉnh Điện Biên cho thành lập lại thị trấn và trở thành bí thư đảng ủy đầu tiên, từng bước xây dựng bộ máy chính quyền. Cụ làm việc cho đến năm 2014 mới nghỉ công tác. Người lính già như một nhân chứng sống của mảnh đất Mường Ảng đầy gian nan nhưng cũng rất anh dũng nơi vùng trời Tây Bắc.

Hơn 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn luôn trong trái tim, nhưng cụ Nuôi cũng rất hạnh phúc vì Mường Ảng đang từng ngày thay da đổi thịt. Sự thay đổi đó có phần đóng góp, hy sinh của biết bao chiến sĩ Điện Biên, trong đó có cụ.

Tin cùng chuyên mục