Khu vườn sau nhà ngoại, không quá rộng, nhưng mỗi loại cây trái cứ chen chúc nhau, cùng cộng hưởng, cùng chung sống. Riêng cây điệp thì đứng lẻ loi ngoài cùng, sát mép lối đi tắt từ nhà ngoại sang nhà cậu Út tôi, cách đó không xa. Chính vì có một mình, đơn lẻ như thế, nên ngoại tôi đặt cho nó cái tên là “cây điệp mồ côi”, nghe mềm lòng và thương thương muốn chảy nước mắt.
Nhà cha mẹ tôi cách nhà ngoại tầm 5 - 6km nên anh em tôi không quá gần gũi với ngoại. Thường thì cúng kiếng, giỗ chạp, tết nhứt cha mẹ tôi “lùa” cả nhà xuống xuồng, chèo về ngoại. Ông ngoại tôi mất do bạo bệnh từ khi mẹ và các cậu, dì còn rất nhỏ. Khi dì, cậu và mẹ tôi trưởng thành, lập gia đình riêng thì bà ngoại tôi sống một mình. Ngoài khu vườn sum suê cây trái, hoa màu ra, xa hơn một chút, như bờ bao, là bạt ngàn dừa nước.
Cứ thế, bà ngoại tôi lầm lũi một mình, cậu, dì nào của tôi năn nỉ rước ngoại về sống chung, bà cũng cương quyết lắc đầu. Ngay cả cậu mợ Út ở kề bên, ngoại đi qua lại giây lát, chứ không chịu ở hẳn. Kể cả cơm nước, ngoại cũng tự lực một mình. Ngoại nói, còn con chó và con mèo nữa, ở nhà nhìn “tụi nó” nhảy lên nhảy xuống, chạy ra chạy vào, cũng vui mắt.
Nói vậy chứ, hàng ngày ngoại ở ngoài vườn nhiều hơn trong nhà. Ngoại chăm chút cho từng cái lá, cái hoa, tỉa nhánh vàng, lá úa. Không hiểu sao trong nhiều loại cây trái, hoa cỏ vườn nhà, ngoại lại “cưng” cây điệp trổ bông vàng nhiều nhất. Vì ngoại nói, trong khu vườn này, cây nào cũng có đôi có ba, chỉ duy nhất cây điệp là đơn lẻ, lại đứng “ngoài cùng” nữa, ngoại thấy nó một mình, như mồ côi vậy, tội nghiệp nó nhứt!
Cứ thế, hàng ngày ngoại tưới nước, dăm hôm bảy bữa, lại rưới thêm chút phân bón, cho nên chẳng mấy chốc, cây điệp mồ côi một mình “bứt phá” vươn lên, xòe tán lấn át cả những cây đứng gần bên cạnh.
Hàng năm, cứ độ tháng 8, tháng 9 thế này, cây điệp mồ côi ấy lại trổ bông vàng cả góc vườn sau nhà ngoại. Cuối tháng 8 âm lịch là ngày giỗ ông ngoại, bà ngoại tôi hay ngắt bông điệp vàng chưng lên bàn thờ ông, trong mắt bà luôn ngời lên ánh nhìn ấm áp nhất.
Theo thời gian, bà ngoại tôi cũng già yếu và đã về miền mây trắng theo ông ngoại. Từ đó, ngôi nhà và khu vườn của ngoại vắng lặng đến lạ thường. Bà mất vài năm sau, ngôi nhà mái lá cũ kỹ không người ở, trong một cơn dông lốc mạnh thổi qua, cột kèo rui mè đều nằm “bẹp dúm”.
Khi dông lốc đã qua đi, cậu Út tôi vừa dọn tàn dư vừa rưng rưng nước mắt. Đến bây giờ, gần 20 năm sau khi bà ngoại tôi ra đi, trên nền ngôi nhà cũ cỏ mọc um tùm, khu vườn ngày xưa cũng trở thành hoang vu.
Cậu Út tôi nhắc lại: Từng cái cây, nọc trầu hay hoa trái khác, cũng dần lụi tàn theo năm tháng. Có một điều duy nhất, cứ làm cậu tôi ngạc nhiên cho đến tận ngày hôm nay, đó là cây điệp trổ bông vàng tốt tươi, xanh um ngày nào được bà tôi chăm bón, ngay mùa chang nắng đầu tiên sau khi bà tôi ra đi, trong khi trời đang đứng gió, cây điệp tự nhiên gãy đọt, đổ nhánh nằm dài. Không bao lâu sau, cái gốc của nó cũng khô héo và tróc lên khỏi mặt đất. Chỉ riêng mình tôi nghĩ, chắc cây điệp mồ côi thêm lần nữa.