Cay nghiệt tin đồn

Cay nghiệt tin đồn

1- Anh bàng hoàng khi đọc dòng nhật ký trên blog cá nhân “Hôm trước cô Hảo mời mình đi uống cà phê. Cô nói rất nhiều chuyện xấu của cơ quan. Cô bảo ông Xuân là một người bất tín. Ông chỉ biết mình…”.

Cay nghiệt tin đồn ảnh 1

Có cái gì nhói lên ở tim. Anh thấy đau thắt nơi lồng ngực; cơn đau chưa từng có bao giờ. Hay là mình đã già? Cái tuổi già vô tích sự. Nó khiến anh mệt mỏi vì những lời thêu dệt cả hữu ý lẫn vô tình, những lời lẽ ngôi lê đôi mách mà mấy năm trước đây anh chẳng hề quan tâm.

Tin đồn như những con rắn độc, có ai đó từng nói thế nhỉ? Những thứ nọc độc ấy cứ bủa vây xung quanh anh như những bóng ma vô hình. Điều bất ngờ là có khi nhiều tin đồn lại được tung ra từ những người được coi là có quan hệ thân thiết với anh. Cô ấy là một bất ngờ lớn nhất. Một nhà báo khả kính đã từng lớn tiếng rao giảng về đạo đức nhân sinh rỉ tai bỏ nhỏ một cô bé mới vào cơ quan 3 ngày. Anh rùng mình vì sự quay quắt của sự đời, sự quay quắt đến chóng mặt.

2- Sao sự thể lại ra vậy nhỉ? Anh nghĩ nát óc mà không cắt nghĩa được. Vừa mới bữa trước cô ấy còn điện cho anh là cô ấy hàm ơn anh, rằng nhờ anh mà cô ấy đã vượt qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời. Anh vốn không phải kẻ ưa nghe nịnh nọt nhưng những lời cảm thán của cô làm anh mủi lòng. Lúc ấy anh biết cô nói thật. Anh không giấu giếm là mình đã giơ lưng đỡ đòn cho cô những năm cô bị ông sếp cũ đánh tả tơi. Anh che chở cho cô lúc cô bị hắt hủi, ghẻ lạnh. Thậm chí anh phải dùng cả uy tín và chút tiền còm của mình để bảo lãnh, cứu nguy cho cô lúc cô chao đảo trước bão tố. Đồng tiền đội nón ra đi không trở lại, ngay cả khi anh cần nó nhất để sửa lại căn nhà thờ ở quê. Một lời hứa hẹn, xin lỗi nhỏ nhoi cũng không có. Cô vô tư đến mức làm như đồng tiền không phải mồ hôi nước mắt của anh làm ra và có quyền sử dụng nó bất chấp mọi thứ đạo lý con người.

Anh không có chút hiểu biết nào về khoa tướng số, nhưng người xưa bảo trông mặt mà bắt hình dong. Không biết có phải vì quá tin vào câu tục ngữ ấy không mà anh có một nguyên tắc hơi kỳ cục: Phải nhìn mặt khi chọn người. Nhưng cái giác quan thứ 6 thường đánh lừa anh. Tri nhân, tri diện bất tri tâm. Cuộc sống hiện đại hay thật. Muốn trở mặt là trở mặt. Như một khối vuông rubic biến ảo không biết đâu mà lường. Ai biết được sau những nụ cười thánh thiện như thiên thần, những câu dạ thưa ngọt ngào người ta lại có thể xả rác vào người khác một cách hồn nhiên như thế. Sự quay quắt, tráo trở lá mặt lá trái hình như đã trở thành triết lý sống của một số ít người.

Họ nhân danh đủ thứ, trừ cái phẩm cách cá nhân. Có người hôm trước vừa năn nỉ anh xin cho cháu vào cơ quan, hôm sau trong một cuộc họp lại lớn tiếng răn dạy anh về nguyên tắc tổ chức như một kẻ ngụy quân tử. Bạn bè nói anh hỏng về cung nô bộc cũng không sai. Có người từng được anh cưu mang, thậm chí có người chui từ ống tay áo anh ra thoắt cái đã biến thành những người xa lạ, như những con biến hình, những con kỳ nhông đổi màu nhanh đến mức khó ngờ. Anh kinh hoàng nhìn những chiếc lá nho rớt xuống, nghe tim mình nhỏ máu mà thấy thấu hiểu thêm nỗi đau tận cùng của một lòng tin bị đánh cắp.

3- Cách đây ít lâu, có ông bạn thân hốt hoảng chìa cho anh xem một tin nhắn. Tin nhắn viết: “Vợ hư hỏng của tao đã thú nhận hết với tao rồi. Tao đã gặp nhiều người và có đủ chứng cứ. Tao sẽ trị đến nơi đến chốn. Mày liệu hồn đấy, con dê già”. Anh bạn bảo tin còn nhắn: “Tao biết tất cả những cô đến gặp mày, có cô còn ở qua đêm…”.

Anh mỉm cười trấn an bạn anh. Cây ngay sợ gì chết đứng? Những tin nhắn kiểu khủng bố như thế không mới và đang tràn ngập trên các điện thoại di động. Có ông chồng nổi máu hoạn thư còn đè vợ ra thượng cẳng chân, hạ cẳng tay vì một tin nhắn vu vơ. Ăn nhằm gì so với chuyện của anh. Nửa đêm vợ anh nhận được điện thoại của một người đàn ông tự xưng là chồng cô Vy, khẳng định anh ngoại tình và đòi chị tự xử chồng mình nếu không sẽ báo cáo với tổ chức. Có cú điện thoại nặc danh còn tố cáo anh lập phòng nhì. May mà vợ anh hiểu và tin chồng, nếu không, chuyện tan cửa nát nhà là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhưng tình huống oái oăm giữa hai cô bạn gái có vẻ còn bi hài hơn. Chẳng biết vì sao, hai cô bạn từng cắt máu ăn thề, củ sắn bẻ đôi đột nhiên trở mặt. Cô bạn gái có nụ cười trẻ thơ lập tức ra chiêu. Cô săn đuổi bạn trên từng cây số. Cô sử dụng ngoạn mục ngón nghề rỉ tai – một phương thức tuyên truyền xưa như trái đất nhưng có thể giết người không dao. Cô gieo mối nghi ngờ cho vợ anh bạn trẻ – người cô cho là có quan hệ không bình thường với bạn cô. Thậm chí gieo mầm độc cả với cô bé 10 tuổi, con gái của bạn: “Mẹ mày đang theo trai, cẩn thận không mất mẹ, con ơi”. Cái tin đồn vu vơ ấy, thoáng chốc đã hiện hình thành xương thành thịt, như một con thú tham lam vô độ có nguy cơ ăn sống nuốt tươi bạn cô. Không ai hiểu căn nguyên câu chuyện là vì đâu. Người ta bảo yêu nhau lắm, cắn nhau đau? Hay vì quá yêu sinh hận? Hay thói đố kỵ, ghen ghét càng ngày càng trở thành thứ vi rút dễ lây lan – một căn bệnh cổ xưa nhất nhưng cũng khó trị nhất của mọi thời đại.

4- Nhưng có tin đồn chẳng vì yêu ghét gì. Đơn giản chỉ là chuyện buôn dưa lê. Các loại thông tấn xã vỉa hè, chẳng hiểu sao lúc nào cũng giương ăng ten dò la, sẵn sàng mở vô luym hết cỡ, nhất là trước một sự kiện bất ngờ. Trong nỗi đau người bạn vong niên ra đi đột ngột hồi tuần trước, anh điếng người khi có người hỏi thăm: “Nghe nói ảnh có quyết định thăng chức rồi. Anh mời ảnh xuống phổ biến. Ảnh dẫn cả phòng đi ăn mừng, và…”.

Anh nghẹn họng không nói gì được. Mà còn gì để nói nữa. Người ngoài thiếu thông tin, đã đành. Còn người trong cơ quan – những người đáng ra phải hiểu rất rành về nguyên tắc tổ chức. Anh không đủ độ sâu sắc để phán xét đằng sau những giọt nước mắt cảm thông là cái gì. Nhưng tin đồn thì quá ư độc địa. Một sự báng bổ đối với vong linh người đã khuất. Sao sự đời lại cay nghiệt đến mức không để người nằm xuống được thanh thản ra đi? Nghĩa tử là nghĩa tận mà thế ư?

Rồi biết bao nhiêu chuyện thêu dệt lúc trà dư tửu hậu mới nghe qua đã lạnh mình. Những tin đồn tào lao về chuyện chạy đua vào một vị trí quyền lực. Rằng người này dựa vào ô dù quen biết, người kia dựa vào thân nhân, thậm chí vào mỹ nhân kế. Cả chuyện người lo đầu tư tương lai vào ứng cử viên này, kẻ cố tìm cách tranh thủ tình cảm của ứng cử viên tiềm năng kia. Anh chợt thấy thương khi nghe những tin đồn tầm phào vô căn cứ. Mà toàn những người học cao biết rộng hẳn hoi.

Những chuyện tổ chức nghiêm túc được đưa ra đàm tiếu ở vỉa hè giống như những giai thoại tranh quyền đoạt vị trong sách Tàu thời xa xưa. Cũng không ít chuyện được sáng tác ra chỉ để thỏa mãn tính tò mò. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm theo đà khuếch trương của những kênh “vô tuyến truyền mồm” được phát hết tốc lực. Đến một lúc, ác thay, cái sự thật ảo lại làm vẩn đục không khí cả một cơ quan, gây nhiễu loạn thông tin khiến nhiều người chẳng còn phân biệt được đâu là thực, đâu là giả. Nó cũng khiến cho một số ít người không lo làm việc, chỉ dỏng tai nghe ngóng thông tin để “loạn bàn” và… chờ, mà có khi cũng chẳng biết mình sẽ chờ đợi được điều gì ở phía trước.

5- Anh mệt mỏi nhắm mắt lại. Với anh, kiểu tin đồn đại loại như tin tung ra trên trang nhật ký nọ chỉ là một thứ tin đồn quá ư nhẹ nhàng. Anh đã từng bị sao quả tạ chiếu với nhiều tin đồn còn cay nghiệt hơn. Người ta đã từng tung ra những thông tin kết tội anh cả về phẩm chất, kinh tế và chính trị. Anh đã từng lãnh những cú sốc trí mạng khiến anh đang đêm phải lao xe ra đường giữa mưa dông hàng tiếng đồng hồ để giảm cơn căng thẳng thần kinh đến tột đỉnh. Chỉ có điều anh không hiểu, những lời bịa đặt ấy lại bắt đầu từ một môi trường văn hóa và từ những người anh không thể ngờ. Hóa ra, nhu cầu ngồi lê mách lẻo không chỉ là chuyện của những người đá cá lăn dưa nơi đầu đường xó chợ.

Anh bỗng ngộ ra một điều: ở đâu cũng có người thích túm năm, tụm ba để tung hô mình, tung hô nhau và nói xấu người khác. Người ta phê phán mọi thứ, từ cấp trên đến cấp dưới, trừ mình ra. Có người nghiện những thứ đó như một loại doping tinh thần, một thứ ma túy. Họ cần nó như thức ăn để sống, như không khí để thở. Họ săn chuyện đồn đãi như kền kền săn xác chết. Đơn giản là vì không khí đó cho họ cái cảm giác là người thông tuệ, là chính nhân quân tử, thậm chí là thánh nhân và cho họ cái quyền năng tối cao: tự do thóa mạ và bôi nhọ người khác. Họ không muốn thoát khỏi không khí đó, bởi ra khỏi nó là họ mất hết sức mạnh, buộc phải chấp nhận mình là con số không. Phải chăng, đó chính là nguyên nhân để các loại tin đồn bông phèng có đất nảy nở sinh sôi. Thói đời nghiệt ngã ấy chỉ có thể chấm dứt nếu mỗi người tự phấn đấu, dưỡng tính, tu tâm, đứng thẳng bằng cái tâm trong và bằng tài năng thực sự của chính mình.

6- Thuyền to thì sóng to, âu đó cũng là lẽ công bằng của cuộc đời. Người ta yêu nhau là đúng quy luật nhưng ghét nhau cũng là đúng quy luật. Thủy chung nghĩa khí là quy luật nhưng phản trắc, xu thời cũng là quy luật. Cái triết lý vay trả, khôn dại, được thua, ngẫm nghĩ cả một đời người nhưng hiểu được chẳng dễ dàng gì. Người xưa có câu: Người tính không bằng trời tính cũng không sai. Nhưng lại có người nói: Cái gì anh phải nhận đều là chuyện mình làm mình chịu – khoản học phí phải trả cho sự cả tin và quá thương người. Chẳng biết nó có quá đắt không? Có điều, so với thứ học phí phải trả bằng máu thì sự quay quắt nhân sinh mà anh được nhận chẳng đáng kể gì. Nhưng anh thích câu nói của một anh bạn. Đó là khoản đóng thuế ngu – thứ thuế gắn liền với đặc trưng của một lớp người như bọn anh, những người theo cách nói của Chế Lan Viên là những kẻ quê mùa trở thành trí thức.

Có nhiều thứ biết đấy mà không tránh được. Từ nhận thức đến thực tế là một quãng đường dường như rất khó có thể vượt qua. Với các anh, đó là chiếc barie mỏng manh nhưng lại sừng sững như một trái núi. Và, nếu mọi việc lặp lại, chắc chắn anh sẽ vẫn tiếp tục đóng thuế ngu như thường. Anh vốn ngu lâu. Song, ai biết đâu được, cái phẩm chất ngu đó có khi lại chẳng phải là cái phẩm chất người đáng yêu để những người thế hệ các anh có thể đi đến tận cùng cuộc đời đầy chông gai cay cực của mỗi con người.

Dương Trọng Dật
10-2007

Tin cùng chuyên mục