Vẫn hiểu tâm lý “con chim sợ cành cong” cũng như biết rằng không gì bù đắp được nỗi đau cho gia đình cháu bé nhưng khách quan mà nói thì cây xanh không có lỗi. Cách hành xử nêu trên ở nhiều trường là cách giải quyết vấn đề “giận quá, mất khôn”.
Cây xanh nói chung và cây phượng nói riêng trồng trong trường, đã từ lâu với đại đa số các thế hệ học sinh là cả một khoảng trời kỷ niệm với sách vở và bạn bè. Không phải ngẫu nhiên, hoa phượng đã đi vào rất nhiều tác phẩm thơ ca nhạc họa liên quan đến tuổi học trò mơ mộng. Còn dưới con mắt của các nhà khoa học, cây xanh nói chung và cây phượng nói riêng góp phần không nhỏ trong việc làm mát không gian, điều hòa khí hậu cho cả khu vực cây sinh sống. Chính vì vậy, phát triển mảng xanh là một trong những yêu cầu tất yếu trong phát triển đô thị bền vững.
Theo quy chuẩn xây dựng của Việt Nam, tại những đô thị đặc biệt như TPHCM, diện tích cây xanh phải đạt trên 10m2/người mới đảm bảo điều hòa không khí, ngăn bụi và thanh lọc không khí cho thành phố. Hiện diện tích cây xanh bình quân mới đạt khoảng 0,5m2/người, quá thấp so với quy chuẩn nên bên cạnh việc phát triển mảng xanh theo quy hoạch, mỗi năm TPHCM còn thực hiện “Tết trồng cây” theo lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Hiện nhiều trường cho biết, việc tỉa cành, chặt cây trong sân do đã có kế hoạch trước, nhằm đối phó với mùa mưa bão đang đến, không liên quan tới vụ tai nạn thương tâm ở Trường THCS Bạch Đằng. Chắc chắn các thầy cô không sai vì dù với lý do gì, họ cũng đang hành động vì sự an toàn của học sinh. Chỉ là, hay nhất trong bối cảnh này, ngành chức năng nên rà soát lại toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc cây xanh trong trường học cũng như ở nhiều cơ quan đơn vị khác. Bởi lẽ, trồng và chăm sóc cây xanh trong một thành phố có tốc độ xây dựng rất nhanh như TPHCM không đơn giản.
Thực tế tại TPHCM đã có rất nhiều cây xanh chết, bật gốc, gãy cành vì bị xâm hại hoặc đơn giản chỉ vì người chủ không biết cách chăm sóc, không phải là chuyên viên về cây trồng. Việc cây phượng bật gốc, gãy đổ tại sân trường Bạch Đằng do bị gò bó vào một cái bồn làm cho rễ cây phần thì không phát triển đúng mức, phần thì bị mục là ví dụ. Mà việc này chỉ được các chuyên gia về cây trồng chỉ ra khi nhìn hình ảnh thực tế. Đó là chưa kể còn rất nhiều yếu tố tác động tới cây xanh như gió, mưa, dông, lốc… mà chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể đánh giá được.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện cây xanh đô thị, bao gồm cây xanh dọc theo các đường phố và trong công viên, thuộc sự quản lý của Sở Xây dựng hoặc UBND các quận huyện tùy theo sự phân cấp. Riêng cây trồng trong khuôn viên trường học do nhà trường quản lý. Trên thực tế, nhiều trường rất quan tâm đến việc chăm sóc cây trong khuôn viên trường. Ngay như cây phượng bị bật gốc ở Trường THCS Bạch Đằng, theo thầy hiệu trường cho biết, trường vừa tiến hành chăm bón, thay đất… Thế nhưng tại sao tai nạn thương tâm nêu trên vẫn xảy ra? Phải chăng do quy trình về quản lý cây xanh chưa thật hợp lý? Các thầy cô đâu có chuyên môn về cây trồng. Vì vậy, nên chăng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát cây xanh, đặc biệt là các cây lớn trong các trường học, công sở…?
Trở lại với cây phượng, theo giới chuyên môn về cây xanh, cây phượng hợp với khí hậu Việt Nam, có tán rộng nên có tác dụng tỏa bóng mát rất tốt. Vào mùa hè phượng nở hoa đỏ rất đẹp, rễ lại tỏa ra và bám sâu dưới lòng đất, tức cũng khó bị bật gốc. Đó là lý do, từ nhiều năm nay, cây phượng được khuyến khích trồng ở các trường học, công sở. Nhiều cây xanh khác trồng trên đường phố cũng thế, chúng đã được chọn lọc khá kỹ qua thời gian. Chúng không có lỗi khi gãy đổ mà chỉ tại chúng ta chưa chăm sóc và tạo điều kiện cho chúng sống và phát triển tốt như những gì chúng cần.