Doanh nghiệp khổ vì không biết phải xin phép cơ quan quản lý nào để được xả thải vào nguồn tiếp nhận. Về phía cơ quan chức năng cũng “rối” vì có chức năng cấp phép nhưng không có quyền thanh, kiểm tra xử lý nếu như chủ nguồn thải xả thải không đúng quy định. Đó là thực tế bất cập đã tồn hàng chục năm qua tại TPHCM.
Thực tế bất cập này xuất phát từ quy định về mục đích sử dụng nguồn tiếp nhận xả thải. Nguồn tiếp nhận này đang được sử dụng ở những mục đích khác nhau, đồng nghĩa đơn vị quản lý cũng như được cấp phép cũng khác nhau. Cụ thể, nếu doanh nghiệp xả thải vào hệ thống cống thoát nước sinh hoạt sẽ do Sở GTVT cấp phép. Còn nếu xả thải vào kênh thủy lợi sẽ do Sở NN-PTNT cấp phép. Những nguồn tiếp nhận khác còn lại sẽ do Sở TN-MT cấp phép.
Chỉ với một hoạt động xả thải lại có đến 3 đơn vị có chức năng cấp phép. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vì rất khó để định dạng được nguồn tiếp nhận nước thải mà doanh nghiệp sẽ xả ra hiện đang dùng cho mục đích gì. Từ đó, làm cơ sở xác định cơ quan chủ quản để tiến hành xin phép và được cấp phép. Tuy nhiên, sự rối rắm trong hoạt động quản lý cấp phép xả thải chưa dừng lại ở khâu xin phép của doanh nghiệp mà bao gồm cả khâu quản lý. Có đến 3 cơ quan chức năng có quyền cấp phép xả thải nhưng đến khi phát hiện doanh nghiệp xả thải vi phạm môi trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước thì không phải đơn vị nào cũng có chức năng xử lý.
Sở NN-PTNT cho rằng, liên quan đến hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường thì chỉ có Sở TN-MT mới có chức năng thanh kiểm tra và xử phạt. Tương tự, với trường hợp doanh nghiệp do Sở GTVT cấp phép cũng vậy. Thế nhưng, về phía Sở TN-MT lại cho rằng, nguyên tắc sở nào cấp phép sở đó phải có trách nhiệm thanh kiểm tra và xử lý. Trường hợp doanh nghiệp do Sở NN-PTNT và Sở GTVT cấp phép thì bản thân Sở TN-MT khó có thể kiểm soát được do không quản lý đầu vào nên khó thống kê được đầu ra.
Trường hợp các sở liên quan đề nghị, kiến nghị Sở TN-MT hỗ trợ kiểm tra xử lý doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường thì khó tránh khỏi chậm trễ. Bởi lẽ, hoạt động xả thải gây ô nhiễm diễn ra hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là hàng phút. Thế nhưng, để có thể thống nhất trình tự thủ tục và thành lập đoàn thanh kiểm tra theo yêu cầu hỗ trợ hợp tác giữa các ngành liên quan, nhanh nhất cũng mất cả tuần. Điển hình như trường hợp ô nhiễm kênh Tham Lương. Những doanh nghiệp hoạt động dọc tuyến kênh này do Sở NN-PTNT cấp phép cho xả thải. Tuy nhiên, khi phát hiện doanh nghiệp xả chất thải gây ô nhiễm chất lượng nước kênh, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước tưới 15.000ha hoa màu của người dân thì sở này chỉ có thể báo cho Sở TN-MT biết để phối hợp xử lý chứ hoàn toàn không có chức năng kiểm tra và xử phạt những doanh nghiệp vi phạm. Chỉ có điều, “được vạ thì má đã sưng”.
Có thể nói, thực trạng bất cập trên đã tồn tại từ nhiều năm qua. Bản thân các sở đã nhiều lần thống nhất đề xuất UBND TPHCM nên thống nhất một đầu mối cấp phép xả thải cũng như quản lý chất lượng nguồn nước cho Sở TN-MT. Hơn nữa, cũng chỉ có Sở TN-MT có chức năng thanh kiểm tra, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm xả thải không đạt chất lượng. Có như vậy mới kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu cấp phép cũng như khâu xả thải thực tế của một doanh nghiệp. Điều khó hiểu là cho đến nay những đề xuất trên vẫn chưa được giải quyết.
MINH XUÂN