Cha chung không ai khóc?!

Ấy là chuyện hai địa phương: quận Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) từ nhiều năm nay không sửa chữa nổi một con đường nhỏ giáp ranh dù nó đã quá tàn tạ. Nghe có vẻ nghịch lý và lạ lẫm, nhưng lại là chuyện có thật ở khu phố 1 phường Linh Tây, quận Thủ Đức và ấp Bình Đường 2, xã An Bình huyện Dĩ An.
Cha chung không ai khóc?!

Ấy là chuyện hai địa phương: quận Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) từ nhiều năm nay không sửa chữa nổi một con đường nhỏ giáp ranh dù nó đã quá tàn tạ. Nghe có vẻ nghịch lý và lạ lẫm, nhưng lại là chuyện có thật ở khu phố 1 phường Linh Tây, quận Thủ Đức và ấp Bình Đường 2, xã An Bình huyện Dĩ An.

  • Người thành phố đi đường đất

Đó là cách nói vui của người dân nơi đây mỗi khi nhắc đến con đường số 12, bắt đầu từ đường Kha Vạn Cân đến Nhà máy cơ khí A74 chạy dọc khu dân cư giữa địa phận TPHCM và tỉnh Bình Dương, lâu nay vốn đã gây nhiều bức xúc. Ngay cả những ngày không mưa nhưng con đường vẫn khá lầy lội do không được nâng cấp sửa chữa kịp thời. Mặt đường bị các phương tiện giao thông cày xới nham nhở, cộng thêm nước mưa lâu ngày ứ đọng tạo thành những vũng nước to ngay giữa lòng đường.

Cha chung không ai khóc?! ảnh 1

Con đường tại khu vực giáp ranh.

Cùng với nước thải từ các hộ gia đình, nhà máy sản xuất mì nui và Xí nghiệp Chế biến gỗ Hiệp Long (Thủ Đức) chảy thành dòng liên tục trên mặt đường. Tất cả tạo nên một cảnh tượng nhếch nhác, hôi thối, khiến cho việc đi lại cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Tất cả các đường, ngõ nối liền các khu phố, các thôn, ấp của cả hai địa phương đều được tráng nhựa hoặc bê tông hóa rất khang trang. Nhưng riêng con đường 12 làm ranh giới chung giữa hai địa phương lại không được quan tâm, nâng cấp. Chính vì thế con đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng nói là khu vực này lại tập trung rất nhiều nhà trọ. Hàng ngày, vào giờ tan ca, công nhân từ các khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Đường, khu chế xuất Linh Trung đổ về rất đông cùng các phương tiện, góp sức tàn phá con đường. Vào những tháng mùa mưa, người đi bộ không biết đặt chân vào chỗ nào vì cả con đường không khác gì một bãi sình nhầy nhụa.

Những hộ gia đình thuộc khu phố 1 phường Linh Tây quận Thủ Đức cũng tỏ ra vô cùng bức xúc cho biết thêm: Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị, chính quyền cũng có họp bàn, nhưng câu trả lời lần nào cũng là chờ sự thống nhất hai bên. Mặc dù sống ngay trong thành phố nhưng người dân nơi đây phải đi trên con đường đất đã xuống cấp trầm trọng.

  • Chỉ vì vài hộ dân?

Đầu năm 2002, để thể hiện sự “cố gắng” của mình trước nhân dân và tình trạng xuống cấp trầm trọng của con đường, lãnh đạo hai địa phương đã cho tiến hành rải đá cấp phối. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời nên chẳng bao lâu lớp đá này trôi hết và con đường càng hư hỏng nặng hơn.

Sang đến năm 2003, con đường tiếp tục bị bỏ ngỏ vì lý do ngân sách hai địa phương không đủ. Thế rồi, đến đầu năm 2004, lãnh đạo phường Linh Tây và xã An Bình cùng ngồi lại bàn bạc lần thứ 3 để làm lại con đường với kinh phí dự toán 1,3 tỷ đồng theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Dự án lần này có vẻ khả thi hơn khi chính quyền chủ trương huy động toàn bộ hộ gia đình sống trên địa bàn đi đến một thống nhất chung. Thế nhưng vấn đề lại vướng mắc do vẫn còn có một số ý kiến khác nhau của người dân khu phố 1 phường Linh Tây.

Một vài hộ có đất ở phần đường cần giải tỏa không chấp nhận hiến đất làm đường, trong khi kinh phí bồi thường của địa phương lại không có. Rất nhiều phương án đã được đặt ra để lấy ý kiến biểu quyết nhưng rốt cục vẫn chưa đi đến thống nhất trong dân. Chính quyền xã An Bình tiếp tục chờ đợi. Và cho tới thời điểm hiện tại, việc sửa chữa con đường này vẫn còn nằm trong trí tưởng tượng của người dân ở đây!
 

THANH TÙNG

Tin cùng chuyên mục