Cha con người lính

Cha con người lính

(SGGP-12G).- L.T.S.: Chiến tranh đã đi qua, 34 năm đất nước hát khúc khải hoàn nhưng trong ký ức của những người chiến sĩ giải phóng quân, cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vẫn còn in đậm. Chiến trường không chỉ có đạn bom và hy sinh mà ở đó còn có những tấm lòng đôn hậu, những tình cảm thiêng liêng. Nhân kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tòa soạn SGGP 12 Giờ xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ký Cha con người lính - một “lát cắt” về ký ức cuộc chiến tranh của đại tá, nhà văn, nhà báo Trần Thế Tuyển.

Cha con người lính ảnh 1

Giờ phút thoải mái, hồn nhiên của các chiến sĩ quân giải phóng: “Ngoéo tay lập công!”. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Khi thằng Thanh thức dậy thì ba Trung của nó đã đi đâu mất rồi. Chiếc võng dù của ba Trung chưa kịp gấp, tung bay trước gió như một chiếc thuyền ba lá chao nghiêng trên mặt nước.

Cạnh đó, bên những cụm cây so đũa, cây tràm, me nước, các chú trong đơn vị vẫn ngủ..., dường như chặng đường hành quân mấy ngày qua làm các chú thiếu ngủ quá nhiều. Và bây giờ chỉ cần ngả lưng trên cánh võng dưới ngọn gió đồng nội mát dịu như lời ru của bà là các chú ngủ liền.

Thằng Thanh chui ra khỏi võng, nó nhẹ nhàng bước xuống đất và dáo dác nhìn xem có thấy ba Trung của nó không. Cảnh vật vẫn im lìm. Cái chỏm rừng nổi lên như một hoang đảo nhỏ nhoi giữa đồng bằng sông Cửu Long bát ngát này khiến nó liên tưởng đến câu chuyện thần thoại mà hồi má nó còn sống vẫn kể cho nó nghe.

Thằng Thanh nghĩ nó chính là chàng An Tiêm trên hoang đảo để đi tìm trái cây xanh vỏ đỏ lòng ấy. Thằng Thanh bất giác mỉm cười trước cái ý nghĩ ngộ nghĩnh của nó. Bỗng nó nghe đâu đó có tiếng nói rì rầm. Hay là ba Trung của nó về. Thằng Thanh vội nhảy lên võng và nó nhắm nghiền mắt lại. Ba Trung đã dặn nó phải ngủ ngon để còn lấy sức đêm nay hành quân tiếp. Đoạn đường trước mặt còn vất vả nhiều, phải lội sình lầy và đi trên những bờ đất lởm chởm, đôi khi gặp cả lũ chuột và những con rắn xanh lè nữa.

Thằng Thanh kéo một vạt võng che kín mặt. Nó sợ ba Trung biết nó không ngủ, nó sẽ bị gởi lại một làng nào đó dọc đường hành quân. Đối với nó đó là một hình thức kỷ luật nặng nề nhất. Vì, nếu như thế thì cái ước mơ được trở về thị xã Tân An, quê hương của nó, nơi mà cách đây hơn hai năm nó đã từ đó ra đi, sẽ không thực hiện được. Hơn nữa, như thế nó phải xa ba Trung, người mà nó vô cùng yêu quý.

Thằng Thanh cố tự ru nó ngủ. Nhưng hễ nhắm mắt nó lại thấy ba Trung hiện ra ở đầu võng. Nó muốn bật dậy ôm lấy cổ ba Trung và nũng nịu gục vào ngực ba hít thở cái hương vị mồ hôi mằn mặn của ba Trung. Song, chờ mãi nó chẳng thấy ba Trung trở lại.

Mấy hôm rày nó thấy ba Trung ốm đi nhiều, vậy mà cái gì ba cũng nhường cho nó. Ấy là chưa kể khi đang hành quân đôi chân mỏi nhừ, ba Trung lại cõng nó trên ba lô. Mệt nhọc thế mà ba Trung vẫn vui vẻ với nó, kể cho nó nghe những câu chuyện đâu đâu về một loài chim lạ có bộ lông như những cây viết chụm lại. Biết bao nhiêu những hình ảnh, những ý nghĩ về ba Trung cứ chập chờn ẩn hiện trong đầu thằng Thanh. Nhưng có lẽ cái ngày nó gặp ba Trung và từ đó nó có ba thì thằng Thanh không bao giờ quên được.

Thằng Thanh nhớ rất rõ, hôm ấy, một buổi sáng trời cao ráo như hôm nay, nó quyết định tìm đường trở về quê cũ. Hai năm nay sống lang thang hết nơi này nơi khác, nó đã quên hết hơi ấm của gia đình. Trước đây, cũng như bao đứa trẻ khác nó cũng có cha mẹ và cũng có một mái nhà ấm cúng. Một căn nhà lợp lá dừa nước nằm ven lộ 4 là tổ ấm của gia đình nó. Ở đó, hằng ngày khi ông mặt trời chưa dậy, chỉ có tiếng xe lam, xe ba gác huyên náo xóm phố, ba má nó đã dậy.

Những lúc ấy, thằng Thanh không ngủ tiếp được, nhưng nó không chịu dậy mà cứ nằm ì như thế trên giường xem ba má nó chuẩn bị đi làm. Với chiếc xích lô, ba má nó bươn bả ra đi, để lại nó và hai em nhỏ còn đang yên giấc. Trên đường ra bến xe đón khách, ba thằng Thanh đưa má nó đến chợ. Má nó bán đậu phộng ở khu nhà lồng, trên cái sạp gỗ lúc nào cũng như sắp gãy ấy, thằng Thanh vẫn còn nhớ như in.

Cuộc sống cứ tưởng sẽ diễn ra bình yên như vậy. Nhưng rồi, một buổi trưa khi thằng Thanh đang ở trường thì nó nghe tiếng máy bay gầm rít rồi tiếng bom nổ dữ dội từ hướng nhà nó. Nó chạy một mạch về thì không thấy ngôi nhà lá đơn sơ của nó đâu nữa. Trước mặt nó chỉ là cái hố bom nham nhở, mùi thuốc đạn khét lẹt.

Thằng Thanh kinh hoàng đứng sững. Mới nửa giờ trước đó nó còn ngồi ăn cơm cùng ba má và hai em mà bây giờ tất cả đâu rồi. Nó thảng thốt cất tiếng gọi má. Im lặng. Nó vừa gọi vừa chạy đi tìm má. Miệng nó thét lên như điên dại. Từ đó thằng Thanh như một kẻ sống ngoài xã hội, nay đây mai đó. Nó theo dòng người tản cư đi ngược về biên giới.

Đêm đêm, thằng Thanh tìm chỗ ngủ bên những khu tập trung của dân chạy nạn giữa cánh đồng khô khốc. Mọi người đều tất bật với cuộc sống tha phương nên chẳng ai để ý đến nó. Thằng Thanh lang thang đi kiếm ăn, ai cần gì thì nó làm giúp để kiếm cơm qua ngày. Có bữa vì đói quá nó thiếp đi, đến khi nghe mưa xối xả trên người nó mới tỉnh giấc và tìm nơi ẩn náu.

Cuộc sống của nó cứ qua đi như thế. Lâu rồi cũng quen. Nhưng bây giờ ý nghĩ trở về quê hương cứ thôi thúc nó. Và, một buổi sáng nó quyết định lên đường. Với chiếc túi nhỏ trong đó có bộ đồ đã rách, mấy thứ lặt vặt vắt trên vai, thằng Thanh đang từng bước trên con đường đất đỏ thì nó gặp một chú giải phóng quân. Chú mang chiếc túi nhỏ như túi học trò mà thằng Thanh vẫn thấy (sau này nó mới biết đó là túi đựng mìn Cơlâymo của Mỹ). Nhìn dáng chú đi, nó nghĩ có một việc gì gấp gáp lắm đang chờ đợi. Thấy thằng Thanh đi một mình, chú dừng lại, cất tiếng hỏi dịu dàng: – Cháu đi đâu mà đi một mình vậy?

Thằng Thanh ngước nhìn chú giải phóng, nó mừng rỡ trả lời:– Dạ cháu tìm đường về quê cháu.

Chú giải phóng ngạc nhiên cúi xuống hỏi nó: – Quê cháu ở đâu, ba má cháu đâu?

Mặt thằng Thanh buồn hẳn, nó trả lời: – Dạ, quê cháu ở Tân An, bố mẹ cháu chết hết rồi.

Nghe đến Tân An, chú giải phóng bỗng sôi nổi hẳn lên, nhưng khi nghe nói đến ba má thằng Thanh không còn nữa thì nét mặt chú buồn lắm. Chú hỏi:– Ba má cháu làm sao bị chết?

– Dạ, bị bom đìa.

– Tội nghiệp... - Chú giải phóng quân cúi xuống ôm nó vào lòng.

Hai chú cháu vừa đi vừa trò chuyện. Chú giải phóng hỏi thằng Thanh nhiều thứ về Tân An, quê nó. Đến lúc chú chia tay nó để về đơn vị thì thằng Thanh chợt nhớ ra hoàn cảnh của mình. Nhìn quãng đường hun hút vắng vẻ trước mặt, nó bỗng thấy lo ngại. Rồi bất ngờ, nó chạy theo hướng chú giải phóng vừa đi, gọi thất thanh:– Chú ơi! Chú ơi!

Đang rảo bước, chú giải phóng dừng lại: – Có chuyện chi vậy cháu?

– Chú! Chú cho cháu đi theo chú với!

– Đi làm sao được! Cháu còn nhỏ, mà các chú mắc nhiều công chuyện lắm cháu à!

Thằng Thanh năn nỉ: – Cháu đi được mà. Cháu biết làm nhiều việc lắm. Chú cần làm việc gì cháu cũng làm được hết.

Thấy chú giải phóng có vẻ chần chừ, thằng Thanh níu lấy tay chú, nước mắt nó ứa ra:– Đi một mình, cháu sợ.

Nhìn thằng Thanh một hồi lâu, cuối cùng chú gật đầu: – Thôi được, cháu đi theo chú. Các chú cũng đang trên đường về quê cháu đây. Sẽ cực lắm đó, nhưng không còn cách nào.

Thằng Thanh mừng rỡ ôm lấy chú giải phóng, giọng lạc đi: – Thiệt hả chú? Chú cho cháu đi theo chú thiệt nghe chú!

Các chiến sĩ DKZ 75 tiếp cận vùng bưng Nhà Bè. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Các chiến sĩ DKZ 75 tiếp cận vùng bưng Nhà Bè. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Trời đã bắt đầu hửng nắng, một chiếc xe vận tải quân sự phủ đầy ngụy trang vút qua trước mặt. Một luồng bụi đỏ cuồn cuộn bao trùm lên hai chú cháu. Rồi một đoàn xe nữa chạy qua, tiếng cười nói của các chú bộ đội tan ra trong nắng và gió của miền biên giới.

Trên đường trở về đơn vị, thằng Thanh đã kể cho chú Trung nghe về quãng đời phiêu bạt của nó. Chú giải phóng quân im lặng lắng nghe, chốc chốc lại bóp chặt bàn tay nó. Thằng Thanh có cảm giác chú đang muốn nói một điều gì mà chưa nói được.

Thế là từ hôm ấy, thằng Thanh trở thành một thành viên mới của đại đội. Nó được chú Trung, đại đội trưởng, người dẫn nó về đơn vị bảo lãnh cùng đại đội hành quân. Các chú trang bị cho nó một bộ đồ giải phóng mới tinh với chiếc nón tai bèo và một túi xách nhỏ. Trông nó thiệt bảnh và chững chạc hẳn.

Chú Trung tuy bận nhiều việc nhưng lúc nào cũng quan tâm đến nó. Bằng linh tính của đứa trẻ mồ côi lưu lạc, nó cảm nhận được điều đó qua ánh mắt và cử chỉ của chú. Vốn thiếu thốn tình cảm, nó cũng quý mến chú Trung một cách đặc biệt.

Một bữa tình cờ, nghe chú Dũng - liên lạc đại đội - kể nó mới biết chú Trung quê ở một tỉnh miền Trung. Chú có vợ và một đứa con trai bằng tuổi nó, nhưng cả hai đều đã chết trong một trận ném bom của máy bay Mỹ năm 1971. Biết được chuyện đó, thằng Thanh càng thương chú Trung hơn.
Trước ngày đơn vị hành quân, chú Trung xâu lại cho nó mấy chiếc quai dép cao su và đưa nó đi thử. Nó buột miệng: – Con đi vừa lắm, ba à!

Nó thấy chú Trung nhìn nó với ánh mắt khác lạ. Mặt chú tái đi. Rồi chú ôm nó vào lòng, giọng nói thảng thốt:– Thanh, con làm con ba thiệt nghe!

– Dạ!...

Vậy là từ bữa đó nó có ba. Các chú trong đơn vị đều vui mừng. Còn thằng Thanh, thấy chỉ trong ít ngày mà cuộc đời nó thay đổi kỳ diệu. Từ một đứa trẻ bơ vơ, côi cút, nó đã có ba, có cả một gia đình đông đúc ấm cúng, thiệt vui. Sau này về tới Tân An rồi, nó sẽ xin theo các chú luôn. Nó sẽ sống với ba Trung suốt đời...

Chính vì thế, những ngày vượt sình lầy, lội qua những kênh, rạch của vùng đồng bằng Tháp Mười, thằng Thanh tỏ ra rất cố gắng. Nó nghe lời các chú và luôn theo sát ba Trung. Bây giờ đại đội đang dừng chân ở khu đất trống trải giữa cánh đồng bát ngát này. Đó là một rừng chuối và những cây so đũa, cây tràm mọc xen kẽ. Đêm nay đơn vị của ba Trung sẽ vượt qua con kênh lớn để tiến về lộ 4... Thằng Thanh đang miên man với bao nhiêu chuyện thì có tiếng gọi: – Thanh ơi, con dậy rồi phải không?

Thằng Thanh nhận ra tiếng ba Trung của nó. Nó nhoài người ra trả lời: – Dạ, con vừa dậy ba à.

Đại đội trưởng Trung đến, ngồi xuống võng, cúi nhặt mấy cánh hoa nhỏ vương trên tóc thằng Thanh: – Mấy hôm nay con có mệt không? Ráng đi, sắp tới nhà rồi.

Thằng Thanh nằm im. Đã lâu lắm, từ ngày ba má và các em của nó chết, chưa bao giờ nó được ai âu yếm như thế. Nó ngước nhìn ba Trung nhõng nhẽo: – Con không mệt đâu ba.

Rồi nó ghì đại đội trưởng Trung xuống, hôn đánh “chụt” vào gò má lấm tấm mồ hôi của anh. Khi mặt trời đã sà xuống dưới ngọn cây so đũa thì đại đội chuẩn bị hành quân. Bước sang chặng đường ác liệt nên các chú chuẩn bị rất kỹ. Ai cũng nai nịt gọn gàng, xung quanh người chi chít đủ thứ nào là bình tông, lựu đạn, có chú còn mang cả cái đèn làm bằng lọ thuốc muối nữa.

Thằng Thanh cũng được ba Trung phân công mang vác. Đồ đoàn của nó là chiếc bình tong đầy nước và mấy gói lương khô. Chiếc nón tai bèo xinh xinh như một chiếc lá sen Đồng Tháp cũng được xem lại dây buộc. Ba Trung và chú liên lạc đại đội giúp nó sửa lại quai dép và mấy túi nhựa.

Một hồi còi rít lên, bộ đội không biết từ đâu ùa ra đường đông thế. Chú nào cũng mang vác thật nặng, chưa đi mà mồ hôi đã đầm đìa nhưng nét mặt thật tươi. Từ phía sau đội hình, thằng Thanh theo ba Trung đi ngược lên phía trên. Đi đến đâu nó cũng được các chú hỏi thăm tíu tít. Nào là “chú giải phóng con” nào là chú “liên lạc loắt choắt”. Có chú còn ấn vào tay nó một vật gì mềm mềm, mãi sau mới biết đó là một quả me khô tẩm đường. Trong lúc hành quân mệt nhọc mà có được quả me chua nhấm nháp thì sướng hết biết.

Đội hình của đại đội như một con rắn nhích dần. Họ bỏ xa cái “hoang đảo” đầy chuối và so đũa tiến về phía Đông. Sau lưng, mặt trời vàng rực như một mâm xôi đang từ từ chìm xuống phía cánh đồng đầy nước. Bóng các chú bộ đội in trên những đám cỏ dại dưới ánh hoàng hôn làm thằng Thanh thích thú. Đêm nay thằng Thanh không đi cùng ba Trung, nó được gởi cho chú Dũng liên lạc của đại đội.

Đêm chìm xuống. Ở đồng bằng dường như không có đêm nào quá tối. Trời đầy sao, gió lộng thổi, tiếng ếch nhái và côn trùng cất lên như một bản hợp xướng. Bộ đội hành quân bí mật, bỏ đường cái, lội tắt qua những cánh đồng ngập sình. Không một tiếng cười, tiếng nói, chỉ nghe rõ tiếng chân lội ì ọp.

Thằng Thanh im lặng đi bên chú Dũng. Nó cũng đã bắt đầu thấy mệt. Hai chân nhận xuống sình không muốn nhấc lên nữa. Nhưng khi chú Dũng định cõng thì nó lại từ chối. Nó cố tỏ ra không kém các chú bộ đội. Nó thấy không cõng nó, các chú cũng đã quá cực rồi. Nhất là những chú mang vác nặng, người cứ muốn lún sâu xuống. Nhiều chỗ, các chú phải dắt dìu nhau dò dẫm từng bước. Có chú trượt chân té nhào, ướt sũng. Vậy mà thiệt kỳ, các chú vẫn vui vẻ. Các chú còn khen nó đi giỏi nữa. Được khen, thằng Thanh thích lắm. Nó ưỡn người bước đi. Chân nó bám sát chân chú Dũng, đôi khi còn giẫm cả vào gót chân chú nữa.

Đột nhiên, đang đi thằng Thanh bỗng nghe có tiếng rít trên đầu và tiếng nổ chói tai. Trước mắt nó một quầng lửa đỏ như xé toạc màn đêm. Chú Dũng ôm chặt lấy nó. Cả hai chú cháu ngồi sụp xuống, đất cát bắn tung tóe cả lên người. Một vài tiếng nổ nữa lệch sang phía bên phải rồi chấm dứt. Dòng người đang di động như biến đi đâu mất, bây giờ mới trỗi dậy dưới ánh sao đêm mờ mờ như giăng lưới.

- Có ai việc gì không?

Một tiếng hỏi nào đó vọng lên từ phía sau. Thằng Thanh nhận ra tiếng chú Thắng, chính trị viên đại đội. Chú Thắng lướt qua mặt thằng Thanh tiến về phía quả pháo vừa nổ. Một vài chú đã xúm lại chỗ đó. Tiếng chú Thắng vang lên khe khẽ:

- Đồng chí nào có nhiệm vụ thì ở lại, còn tất cả bám sát đội hình hành quân.

- Báo cáo thủ trưởng, đồng chí Tâm bị thương ạ – Một chú nào đó nói với chú Thắng như thế.

Thằng Thanh bỗng thấy nhói đau như chính nó bị thương vậy. Tội nghiệp chú Tâm quá, mới chiều nay thôi chính chú ấy đã ấn vào tay nó quả me tẩm đường. Thằng Thanh vừa chạy theo chú Dũng vừa ngoái lại nhìn. Trong ánh sao đêm nó thấy chú Tâm đang nằm trên cánh tay của một chú khác.

- Tâm ơi, Tâm ơi, tỉnh lại đi!

Không thấy chú Tâm trả lời. Vừa lúc ấy nó nghe rõ tiếng lao xao rồi tiếng một chú nào đó như vỡ ra trong đêm đồng bằng đầy gió:

- Tâm hy sinh rồi!

Thằng Thanh cắn chặt vành môi mà không cầm được nước mắt. Nó nấc lên ùng ục trong cổ họng. Chú Dũng ôm nó vào lòng. Vòng tay chú như muốn siết chặt thằng Thanh để chống đỡ một cơn sốt đang hành hạ.

Một vài chú ở lại với chú Tâm, còn tất cả vượt lên. Nhiệm vụ nặng nề phía trước đang chờ đợi các chú.

Khi trời tảng sáng thì đại đội đã thu hết quân vào một ngôi làng ven lộ 4. Đó là một khu vườn cây trái sum suê, nhiều nhất là dừa. Bà con đã di tản đi nơi khác hết, một vài chỗ trong làng có hố bom và hố pháo còn mới, mùi khói bom khói đạn khét lẹt. Thằng Thanh nghe thấy tiếng súng rộ lên ở phía lộ. Có lẽ các chú đang áp sát địch. Vừa hạ ba lô chưa ráo mồ hôi, thằng Thanh đã nghe rõ giọng ba Trung của nó:

- Các đồng chí, đến hôm nay tình hình diễn biến như sau: Ta đã giải phóng các tỉnh miền Trung. Đại quân ta đang tiến vào cửa ngõ Sài Gòn. Ở phía Tây Bắc, một quân đoàn chủ lực của ta từ Củ Chi phối hợp cùng các cánh quân khác hình thành thế bao vây Sài Gòn. Đồng bào ta ở trong nội đô và các lực lượng yêu nước đang chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. Nhiệm vụ của chúng ta là phải cắt đứt lộ 4, không cho địch từ Sài Gòn rút chạy về miền Tây và ngược lại. Cấp trên ra lệnh, chúng ta phải chớp thời cơ ngay đêm nay phải tiến công giải phóng thị xã Tân An, tiêu diệt sư đoàn bộ binh số 22 ngụy đang giữ chốt ở đây… Ngừng một lát, ba Trung nói tiếp: Để trả thù cho đồng chí Tâm, các đồng chí hãy nhanh chóng tổ chức đơn vị sẵn sàng nhận nhiệm vụ…

Nghe đến giải phóng thị xã Tân An, thằng Thanh như muốn reo lên. Thế là nó sắp được về quê sau bao ngày lưu lạc. Bỗng thằng Thanh nhớ đến chú Tâm, nhớ đến ba má và các em nó. Nước mắt nó muốn trào ra.

Các chú bộ đội đã đi hết, còn ba Trung đang bàn bạc điều gì thêm với chú Thắng. Một lúc sau ba Trung đến xoa đầu nó:

- Thanh à, bây giờ ba phải ra chốt với các chú. Con ở lại đây với mấy chú hậu cần nghe. Đừng đi lung tung “ăn” pháo đó. Chỉ mai mốt là chúng ta vào thị xã thôi.

Thằng Thanh đứng bật dậy, nó ôm chầm lấy ba Trung, như sợ ba đi mất:

- Ba! Ba cho con đi chốt với. Con… con cũng muốn trả thù cho chú Tâm, cho ba má và các em con.

Nó thấy ba Trung nhìn nó hồi lâu. Giọng ba nhỏ nhẹ:

- Con còn nhỏ, ra chốt không được. Trả thù cho chú Tâm và ba má con là nhiệm vụ của ba và các chú. Sắp giải phóng rồi. Con còn nhiều việc phải làm lắm đó, Thanh à.

Rồi ba Trung bóc lương khô cho nó ăn. Cầm miếng lương khô trên tay, thằng Thanh cứ nhìn ba Trung không chớp.

Nhân dân TPHCM chào đón quân giải phóng trưa 30-4-1975. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Nhân dân TPHCM chào đón quân giải phóng trưa 30-4-1975. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Tiếng súng nổ mỗi lúc một gần, hai ngày nay, thằng Thanh không được gặp ba Trung của nó. Nhưng chú liên lạc đại đội vẫn cho nó biết về ba Trung. Ba Trung của nó đang chỉ huy các chú chiến đấu. Qua lời các chú, nó hiểu cuộc chiến đấu đang diễn ra vô cùng ác liệt. Nơi đây là cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn.

Đơn vị của ba Trung vừa phải đánh bọn địch từ thành phố rút ra, vừa phải chặn không cho địch từ miền Tây kéo lên chi viện. Bọn địch đông và cùng đường nên chống trả quyết liệt. Tiếng súng cứ rộ lên từng chập, từng chập không ngớt, xoáy vào lòng thằng Thanh nỗi lo lắng. Thỉnh thoảng một cáng thương được khiêng về, thằng Thanh càng thấy bồn chồn. Nó lo cho ba Trung và các chú quá. Suốt mấy ngày đêm không ngủ chắc là ba Trung và các chú mệt lắm.

Thằng Thanh bước ra khỏi hầm, nó đang ngơ ngác nhìn xung quanh thì có tiếng “xèn xẹt” như xé vải trên đầu, bỗng nó thấy tối sầm lại, những cây dừa đổ ngả nghiêng. Vừa lúc ấy có cánh tay nào ôm lấy nó, kéo nó vô hầm. Thằng Thanh nhận ra chú nuôi quân. Chú ôm chặt nó. Sắp đến ngày tận số, địch phát hiện được lực lượng ta, chúng không tiếc đạn bắn phá bừa bãi vào xóm ấp.

Không biết trời sáng từ lúc nào, nhưng khi thằng Thanh tỉnh dậy thì những tia nắng vàng ươm như sợi khói đã chiếu vào căn hầm. Đêm qua nó thức khuya để chờ ba Trung mà không thấy. Chốc chốc từ phía lộ lại có một vài cáng thương chuyển về. Trong đêm tối, thằng Thanh không nhận được mặt ai và các chú cũng không cho nó lại gần, nhưng rõ ràng đấy là những người thân của nó. Nó bỗng thấy lòng se lại. Nó thương các chú nhiều và cầu mong ba Trung của nó không hề chi. Thằng Thanh bước ra khỏi hầm, nó tính đi về phía ngôi nhà mà mấy chú nuôi quân đang nấu cơm để phụ giúp. Nhưng một chú đã chạy lại bế xốc nó lên, giọng chú mừng rỡ:

- Toàn thắng rồi Thanh ơi! Giải phóng rồi, giải phóng rồi. Hòa bình muôn năm, hòa bình muôn năm…

Thằng Thanh cũng muốn nhảy cẫng lên. Hòa bình rồi. Nó nhớ đến ba mẹ và các em của nó.

- Ba Trung của cháu đâu? – Nó hỏi chú nuôi quân.

- Ba Trung đang tiến vào thị xã, một chút xíu nữa, chú cháu mình cũng vào thị xã, bà con đang chờ ta đó, Thanh ơi.

Vừa lúc ấy, không biết từ đâu xuất hiện nhiều bộ đội quá. Ba lô trên vai, súng chắc tay, chú nào cũng vui cười hớn hở. Các chú chạy đến công kênh thằng Thanh lên, tung nó trên tay như tung trái bóng. Có chú nào đó cứ đứng ngẩn người ra, đôi mắt ngấn lệ. Thằng Thanh theo mấy chú vượt qua những cánh đồng khô khốc, gốc rạ đã bị cháy tự bao giờ. Đâu đó vẫn có những đám cháy do đạn pháo của địch bắn từ thị xã Tân An. Vượt qua một cái cầu nhỏ bắc bằng một tấm ván ngang con kênh, thằng Thanh theo chú nuôi quân đến một bãi đất rộng. Ở đó có tới cả trăm người đầu tóc bù xù, mặt mũi nhem nhuốc, phần lớn họ bận quần xà lỏn và để lưng trần. Thằng Thanh chưa kịp hỏi thì chú nuôi quân đã kêu lên:

- Tù binh, hàng binh nhiều quá.

Thằng Thanh cũng muốn reo lên như thế, nhưng nó lại thôi khi thấy chú Thắng bước lên mô đất cao nói chuyện với đám hàng binh ấy. Tiếng chú Thắng lạc đi trong gió chiều đồng bằng. Không phải chú mệt vì nhiều đêm thức trắng mà thằng Thanh nghĩ chú đang xúc động. Tiếng chú Thắng:

- Hỡi anh em binh sĩ. Chiến tranh đã kết thúc. Anh em hãy nộp súng cho cách mạng, từ bỏ con đường lầm lỡ của mình, nhận tội với nhân dân… Im lặng một lúc, chú nói tiếp: - Thay mặt chính quyền cách mạng, tôi tuyên bố phóng thích anh em. Anh em hãy trở về với gia đình, cha mẹ, vợ con và sớm ra trình diện chính quyền cách mạng để được học tập và góp phần xây dựng đất nước.

Chú Thắng vừa dứt lời, tiếng reo hò nổi lên như sấm. Thằng Thanh thấy những người lính chế độ cũ ôm nhau nhảy múa. Họ cười, họ khóc.

Trưa hôm ấy, thằng Thanh và tổ nuôi quân có mặt trong thị xã. Một ngôi nhà hai tầng khang trang được chọn làm nơi nấu ăn của đại đội. Thị xã tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Màu áo xanh của các chú bộ đội hòa lẫn màu áo sặc sỡ của các cô gái và các em thiếu nhi. Trên mặt lộ những bộ quần áo rằn ri rải đầy như những đống rác. Từng đoàn hàng binh cởi trần mặc quần cụt đi từng hàng, từng hàng tiến về địa điểm tập trung. Thằng Thanh không thấy ba Trung của nó đâu. Nó đã hỏi nhiều rồi mà các chú vẫn nói ba đi truy kích địch. Linh tính báo với thằng Thanh một cái gì không bình thường. Nó níu áo chú Thắng hỏi:

- Ba cháu đâu chú, ba cháu đâu?

Chú chính trị viên nhìn thẳng vào đôi mắt thơ ngây của thằng Thanh, chú không nói lời nào, ôm ghì nó vào ngực. Có chuyện gì rồi sao? Thằng Thanh nhìn trân trân vào mắt chú Thắng, thảng thốt hỏi:

- Ba cháu! Ba cháu làm sao rồi hả chú?

Giọng chú Thắng như từ đâu xa lắm vọng về:

- Thanh! Cháu phải can đảm lên. Cháu phải xứng đáng với ba cháu. Ba Trung của cháu dũng cảm lắm. Nhờ có ba, trận đánh mới thắng lợi đó, cháu à…

Không nói một lời, thằng Thanh gục vào ngực chú chính trị viên khóc nức nở.

Thằng Thanh đã trở về quê hương của nó sau bao ngày lưu lạc. Nó hy vọng sẽ đưa ba Trung đến nền cũ ngôi nhà thân yêu của gia đình nó năm nào. Nhưng khi thị xã giải phóng, Sài Gòn giải phóng thì ba Trung của nó đã đi xa, không bao giờ trở lại. Thằng Thanh nấc lên. Khuôn mặt hiền từ, giọng nói âu yếm và cái dáng đi lúc nào cũng như có việc gấp của ba Trung cứ ẩn hiện trong nó. Nó như thấy trong dòng người đang nườm nượp đổ về thị xã, có ba Trung của nó và cả chú Tâm nữa. Cả hai đang cười với nó và giơ cao cánh tay vẫy vẫy.

Đường phố âm vang tiếng cười, tiếng nói. Những chiếc loa phóng thanh gắn trên mái nhà đang vang lên bài hát quen thuộc “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù, tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”…

Truyện ký TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục