Thu phí nước thải công nghiệp

Chậm do đâu?

Chậm do đâu?

Nghị định 67/2003/CP của Chính phủ về thu phí bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2004 nhưng mãi đến tháng 8-2004 mới chính thức áp dụng và phải đợi đến tháng 10-2004, việc thu phí mới bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng triển khai, chỉ mới có 579/3.900 doanh nghiệp tại TPHCM làm phiếu kê khai và đóng phí bảo vệ môi trường.

  • Kê khai đã ít, thu phí càng ít hơn
Chậm do đâu? ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp vẫn xả nước thải trực tiếp ra sông, rạch.

Quận 5 có 607 doanh nghiệp sản xuất, nhưng tính đến tháng 2-2005 chỉ mới có 13 doanh nghiệp làm phiếu kê khai phí bảo vệ môi trường. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều quận huyện khác, như quận Phú Nhuận cũng chỉ có 4/173 doanh nghiệp; quận 3: 5/133 doanh nghiệp; quận Tân Bình: 6/99 doanh nghiệp; quận 10: 10/104 doanh nghiệp, khu chế xuất – khu công nghiệp: 143/800 doanh nghiệp làm phiếu.

Thậm chí trong số 250 doanh nghiệp của 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ chưa có doanh nghiệp nào làm phiếu kê khai và đóng phí bảo vệ môi trường. Có rất nhiều doanh nghiệp cố tình kê khai rất thấp lưu lượng cũng như nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải.

Ông Lê Hữu Thanh, Phó Trưởng Phòng Tổng hợp và Thu phí môi trường TPHCM cho biết: Chi cục Bảo vệ Môi trường đã phối hợp với các trung tâm tư vấn về môi trường, tiến hành thẩm tra 84 doanh nghiệp. Sau khi đối chiếu giữa kết quả thẩm tra với phiếu tự kê khai của các doanh nghiệp thì có đến hơn 60% các doanh nghiệp kê khai không đúng.

Đáng lo ngại hơn là các doanh nghiệp thường kê khai thấp hơn kết quả thẩm tra trung bình đến trên 200%! Mặt khác, kết quả kiểm tra một lần lại tính cho 1 năm nên có những sai số đáng kể.

Nếu các chủ doanh nghiệp làm phiếu kê khai đã ít thì việc thu phí càng trở nên khó và ít hơn rất nhiều. Tính đến đầu tháng 2-2005, Chi cục Bảo vệ môi trường TP mới thu được hơn 500 triệu đồng trên gần 1,3 tỷ đồng tổng mức phí phải thu; trong đó thấp nhất là quận 6 mới chỉ thu được 3,5/100 triệu đồng và huyện Củ Chi chỉ mới thu được hơn 33/330 triệu đồng. Quận 11, huyện Cần Giờ và Nhà Bè hiện vẫn chưa thu được đồng nào về phí nước thải!

  • Thiếu sự quan tâm đúng mức

Có tình trạng trên một phần do Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa công bố chính thức các số liệu định mức về nồng độ và lưu lượng đối với từng ngành nghề nên nhiều địa phương đã rất lúng túng trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai.

Ngoài ra, giữa cơ quan thu phí và bên nộp phí còn xảy ra nhiều bất đồng do không thống nhất được 2 thông số chủ yếu là tổng lượng nước thải và hàm lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải. Vì thế mà nhiều doanh nghiệp không chịu nộp hoặc cố tình kéo dài thời gian nộp phí.

Ông Nguyễn Gia Hiển, cán bộ phụ trách môi trường quận 11 giãi bày thêm: Do có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ nên trong quá trình hướng dẫn làm phiếu kê khai phải cập nhật thêm và hiện quận chỉ có 1 người làm công tác này nên làm không xuể… Trên thực tế, cùng một thời gian thực hiện, nhưng quận Gò Vấp và Thủ Đức đã có đến hơn 50% doanh nghiệp làm phiếu kê khai và đóng phí.

Ông Võ Văn On, Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thủ Đức cho biết: “ Quan trọng là do mình có chủ động hay không”. Để đạt được kết quả cao như hiện nay, ngay từ khi mới triển khai, quận Thủ Đức đã thành lập một ban chuyên trách bao gồm cán bộ môi trường kết hợp với trung tâm tư vấn môi trường, trực tiếp xuống các doanh nghiệp để đốc thúc việc làm phiếu kê khai.

Doanh nghiệp nào cố tình kéo dài việc kê khai với lý do chưa hiểu cách làm thì sẽ được cán bộ và nhân viên tư vấn hướng dẫn cụ thể để làm tại chỗ. Dự kiến trong quý 1-2005, Phòng Môi trường quận Thủ Đức sẽ tiếp tục hoàn thành việc làm phiếu kê khai cho gần 50% doanh nghiệp còn lại trên địa bàn quận.

Điều đáng nói là nếu như tâm lý trông chờ, ỷ lại của chính quyền cơ sở không sớm được khắc phục thì không biết đến bao giờ công tác thu phí bảo vệ môi trường mới cơ bản hoàn thành.

Để chủ trương thu phí nước thải được thực hiện nghiêm chỉnh, cần sớm ban hành số liệu định mức chung về nồng độ các chất ô nhiễm và lưu lượng nước thải cho từng loại ngành nghề và đưa ra quy chế khen thưởng, phê bình nghiêm khắc đối với những nơi chưa quan tâm đến vấn đề này.

Cũng cần thực hiện các biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt đối với các doanh nghiệp không chấp hành kê khai, đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, hoặc thực hiện không nghiêm chỉnh chủ trương bảo vệ môi trường. 

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục