“Nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính phải loại để kêu gọi nhà đầu tư khác” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với các sở ngành liên quan về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng bãi đậu ô tô trên địa bàn TP vào ngày 22-3.
Báo cáo tình hình đầu tư xây dựng bãi đậu xe, đại diện Sở GTVT TP cho biết, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, diện tích dành cho hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) là 1.145,88ha, trong đó chỉ tiêu bãi đậu ô tô 519,98ha. Hiện nay, tại quận 1 đã xác định được 4 vị trí sẽ xây dựng bãi đậu xe ngầm gồm: dưới Công viên Lê Văn Tám, dưới sân khấu Trống Đồng, dưới sân bóng đá Công viên Văn hóa Tao Đàn và dưới sân vận động Hoa Lư. Ngoài ra, trong khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố (gồm các quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh) dự kiến sẽ tìm kiếm thêm 3 vị trí đang xây bãi đậu ô tô nữa. Những vị trí đang được xem xét gồm: dưới Công viên 23-9, dưới chợ Bến Thành, dưới Công viên Quách Thị Trang, khu vực Bến Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, Công viên Chi Lăng. Phần diện tích bến bãi còn lại 508,1ha với 29 vị trí bãi đậu xe được phân bổ cho các quận, huyện còn lại, nhưng chưa xác định được vị trí cụ thể.
Phối cảnh bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám
Về tiến độ triển khai đầu tư xây dựng 4 dự án bãi đậu xe ngầm ở quận 1, Sở GTVT TP cho biết, dự án xây dựng và khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại Công viên Lê Văn Tám do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm làm chủ đầu tư, công suất chứa 2.024 xe máy, 1.260 xe du lịch, 27 xe buýt, xe tải và xe minibus; tổng mức đầu tư 1.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư này không đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án. Ở dự án bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, hiện đã hoàn chỉnh khâu thẩm định thiết kế kỹ thuật. Dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc Công viên Văn hóa Tao Đàn do Liên danh Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Đầu tư văn hóa và Thể thao Sài Gòn làm chủ đầu tư, có tổng số chỗ đậu xe là 1.198 ô tô và 896 xe máy với tổng mức đầu tư 1.055 tỷ đồng. Hiện nay dự án mới triển khai lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật. Liên danh Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Đầu tư văn hóa và Thể thao Sài Gòn còn đầu tư Dự án xây dựng hầm đậu xe và dịch vụ công cộng tại khu vực sân vận động Hoa Lư. Tổng vốn đầu tư dự án 3.419 tỷ đồng. Dự án mới triển khai lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật.
Đối với bãi đậu xe cao tầng lắp ghép, Sở GTVT đang phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất xây dựng các bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại cư xá Lý Thường Kiệt (quận 10), Công viên Gia Định, trong khuôn viên các bệnh viện…
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bãi xe, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính TP sớm ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư, phục vụ công tác kêu gọi xây dựng bãi đậu xe trên địa bàn thành phố. Đối với các vị trí xây bãi đậu xe ngầm: dưới Công viên 23-9, dưới đường Nguyễn Huệ, dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn, dọc đường Tôn Đức Thắng và Công trường Mê Linh, do chưa có quy hoạch không gian ngầm về số tầng ngầm, kết nối không gian ngầm, các chỉ tiêu xây dựng phần ngầm… nên Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP nghiên cứu, xác định chỉ tiêu quy hoạch cụ thể để có cơ sở hướng dẫn nhà đầu tư.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở GTVT TP phải tìm thêm nhiều vị trí có thể xây dựng bãi đậu xe ngầm để đáp ứng nhu cầu gửi ô tô. Sở GTVT TP phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP nhằm đảm bảo các dự án khai thác không gian ngầm được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Sở GTVT TP cùng Sở Xây dựng TP thống kê lại khả năng cho xe lưu đậu của tất cả các bãi xe ngầm (thường dưới các cao ốc) và đưa lên Internet để người dân biết. Đối với các bãi đậu xe tạm đã tồn tại trên 5 năm, nếu có vị trí phù hợp, cụ thể, nên xem xét cho xây dựng. Riêng khu vực Công trường Lam Sơn sẽ không cho xây dựng bãi đậu xe cao tầng vì ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Bãi đậu xe lắp ghép tuyệt đối không có thương mại mà chỉ chuyên để đậu xe. Sở GTVT TP làm việc với các nhà đầu tư 4 bãi xe ngầm ở khu vực trung tâm và hỗ trợ họ tháo gỡ khó khăn. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án thì chấm dứt giao dự án và chuyển qua mời nhà đầu tư khác. Các sở, ngành liên quan tập hợp các cơ chế chính sách cần hỗ trợ nhà đầu tư, báo cáo UBND TP để giải quyết hoặc UBND TP trình Chính phủ giải quyết. Việc đậu xe thu phí cần tính toán kỹ: theo giờ và ngày chẵn, ngày lẻ.
Hiện nay, trong phạm vi bán kính 500m tính từ trụ sở UBND TP có 59 công trình cao tầng có từ 1 đến 5 tầng hầm để xe. Trong đó, có 13 công trình phức hợp có 3 - 5 tầng hầm đậu xe, trong đó tòa nhà Kumho Asianna Plaza, khu phức hợp Eden, cao ốc Sài Gòn Center… có tổng diện tích tầng hầm để xe là 205.549m². 46 công trình cao tầng có tầng hầm bố trí đậu xe có công suất nhỏ hơn nằm trên các tuyến đường Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ… với tổng diện tích sàn tầng hầm để xe khoảng: 265.617m2. Dự tính, ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cần thiết cho các tòa nhà thì có thể dành khoảng 20% (94.233m²) diện tích để đáp ứng nhu cầu đậu xe công cộng, ước khoảng 1.323 ô tô và 2.749 xe máy. |
Quốc Hùng